Ma Văn Kháng là một trong những tác giả thời kỳ đổi mới đầu tiên, ông viết rất nhiều tác phẩm hay và nổi tiếng. Thế nhưng khi nhắc đến ông độc giả sẽ nhớ ngay đến cái tên “Mùa lá rụng trong vườn”.
Giới thiệu về tác giả
Nhà văn Ma Văn Kháng tên thật là Đinh Trọng Đoàn, ông sinh ngày 1 tháng 12 năm 1936 tại làng Kim Liên, Hà Nội. Thời gian ông đặc biệt thành công trong các tác phẩm viết về đời sống của các tộc người phía Bắc, giai đoạn sau khi ông khai thác cuộc sống của những người thị thành và cũng nâng thành tựu lớn. (Wikipedia)
Nhà văn Ma Văn Kháng viết rất nhiều thể loại từ truyện ngắn đến tiểu thuyết và ông cũng gặt hái được rất nhiều thành công. Có thể kể đến những cái tên như “Đám cưới không có giấy thú”, “Đồng bạc trắng hoa xòe”, “Mưa mùa hạ”,…
Cảm nhận về sách
Tôi có dịp được biết đến Mùa lá rụng trong vườn thông qua lời giới thiệu của một người bạn. Khi lật mở những trang sách đầu tiên tôi đã không thể đặt nó xuống bàn, tôi đọc nó một mạch trong một ngày nghỉ. Phải nói rằng Mùa lá rụng trong vườn là một tác phẩm Văn học Việt Nam hay nhất tôi đã từng đọc, câu chuyện mang đến cho tôi nhiều góc nhìn khác hơn về cuộc sống. Ý nghĩa đằng sau đó ca ngợi tình cảm gia đình, nó luôn là thứ tình cảm cao quý nhất mà mỗi chúng ta ai cũng cần phải gìn giữ.
Mùa lá rụng trong vườn lấy bối cảnh của Hà Nội sau những năm chiến tranh, kể về gia đình ông Bằng – một nhân viên bưu điện đã nghỉ hưu, ông có 5 người con. Ông Bằng là một người đàn ông dành cả đời chăm lo cho gia đình và con cái. Một ngôi nhà được xây dựng dựa trên nề nếp và rồi từ những tính xấu, biến cố vẫn xảy đến. 5 người con của ông chính là đại diện cho một xã hội thu nhỏ, mỗi người đều có những suy nghĩ khác nhau.
Người con đầu tiên là Tường, anh đã hi sinh nơi chiến trường khắc nghiệt, vợ anh Tường là chị Hoài mặc dù chị đã đi thêm bước nữa nhưng vẫn thường xuyên viết thư để thăm hỏi. Người con thứ hai là anh Đông, một trung tú đã xuất ngũ thế nhưng anh lại có phong thái xuề xòa, đại diện cho một con người vô cùng lười biếng, anh sống rất hời hợt, ít quan tâm đến mọi người. Người con thứ ba là anh Luận, một nhà báo, anh luôn mang trong mình những suy tư về cuộc sống, thế nên khi có chuyện gì xảy ra Luận cũng luôn là một người nhìn nhận vấn đề toàn diện nhất. Vợ anh là chị Phượng, một người phụ nữ tốt bụng. Người con thứ tư là Cừ, người này thì vô cùng cứng đầu không bao giờ chịu nghe lời bố mẹ. Người con út tên là Cần, anh vẫn đang đi học ở Liên Xô và chuẩn bị về nước.
Sau khi Cừ bỏ việc ngang ở xí nghiệp để lại hai cháu nhỏ, trong gia đình lại có nhiều biến động. Khi ở Canada Cừ nhận ra lỗi lầm của mình, anh đã viết thư tuyệt mệnh gửi về nhà, sau đó tự tử. Người cha sau khi nghe tin dữ đã không chịu được, nhập viện và qua đời ngay sau đó vì căn bệnh huyết áp cao. Chưa hết, chị Lý vợ anh Đông chán người chồng lười biếng của mình thế nên chị đã đi cặp kè với người khác…
Rất nhiều biến cố xảy ra, sự thay đổi trong tâm lý của nhân vật khiến chúng ta ai cũng nhận ra một điều chính là giá trị của truyền thống đã bị những toan tính, sân si hòa lẫn lại với nhau.
Mỗi câu văn, lời thoại của nhân vật đều được thể hiện rất đặc sắc, một loạt từ ngữ miêu tả rất sinh động. Phải là một người nhạy bén với thời đại, với câu từ như Ma Văn Kháng mới có thể viết ra được những cuốn sách hay như thế này. Mùa lá rụng trong vườn là tác phẩm tiêu biểu của Ma Văn Kháng, bằng ngôn từ chân thật, giản dị tác giả giúp người đọc như được hòa mình vào trong truyện. Một tác phẩm xứng đáng để bạn cầm trên tay, nhấm nháp một ly trà chiều và thưởng thức nó.
Mùa lá rụng trong vườn đã được chuyển thể thành phim và nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ khán giả.
“Khi cầm cuốn tiểu thuyết mới của anh, Mùa lá rụng trong vườn, tôi không thể bỏ xuống và đã đọc một mạch. Vấn đề gia đình trong xã hội hiện đại cũng đang là vấn đề làm trăn trở nhiều người có tâm huyết. Trăn trở với những điều mọi người đang day dứt, với một thái độ xây dựng, thái độ có trách nhiệm. Đó là một trong những yếu tố quan trọng nhất làm nên thành công của tác phẩm. Và tôi nghĩ Mùa lá rụng trong vườn là một cuốn tiểu thuyết thực sự bổ ích trong những năm gần đây.” – Nhà văn Hồ Anh Thái
Trích đoạn hay trong sách
Cái khuynh hướng củng cố gia đình, gia tộc, theo con, nó thể hiện một sự phản ứng, chống lại cái vô đạo lí lúc này đang có nguy cơ trở thành một năng lượng tàn phá. Không hiểu có phải vì không khí tết nhất gợi nhớ không mà con bỗng thấy sao lúc này cái ý nghĩa thiêng liêng của gia đình, tổ tiên lại tăng lên đến mức kì lạ thế. Gia đình, hình như đó mới là nơi con người cố thủ để bảo vệ phẩm giá mình. Con thấy thế này: Xã hội đang có bước chuyển. Con người đang đứng trước sự lựa chọn: Trở nên tốt đẹp và có thể phải chịu sự khổ sở về vật chất hay là đều giả, tàn bạo mà sống sung sướng về mặt vật chất. Ví dụ như ba vừa nói về lũ trẽ hư, rõ ràng ba muốn mình giữ được tư thế, uy tín, ba phải im lặng, nghĩa là phải hèn đi một tí. Ba có nói đến bọn ăn chơi xa phí. Có bọn đó. Đừng tưởng chúng không quan hệ đến ta. Chúng là số ít, nhưng chúng tấn công ta, đánh vào từng gia đình ta. Gia đình bây giờ phải là lô cốt cố thủ. Gia đình phải là nơi không có sự chi phối của đồng tiền, ở đó con người sống với những tình cảm thật sự…
Lời kết
Mùa lá rụng trong vườn là một tác phẩm thích hợp cho những bạn đọc yêu thích thể loại Văn học Việt Nam. Hy vọng mọi người sẽ không bỏ qua tác phẩm xuất sắc này của nhà văn Ma Văn Kháng.
Cảm ơn mọi người đã đọc hết bài viết của mình. Hy vọng là những gì mình chia sẻ sẽ giúp ích các bạn trong việc lựa chọn cuốn sách phù hợp với bản thân. Chúc các bạn đọc sách vui vẻ. Thân!
Review bởi Dương Hạnh
Nguồn : https://sachhay24h.com/review-sach-mua-la-rung-trong-vuon-ma-van-khang-a1379.html