Đã bao giờ, trong một buổi chiều, bất chợt xuất hiện trong đầu bạn một suy nghĩ: “Hiện tại mình đang làm gì nhỉ?”. Sau đó nhớ lại quá khứ, rồi tương lai, nên làm gì tiếp theo hay cứ mãi trôi nổi như một áng mây bình dị? Đến một lúc khi những vết nhăn nheo đã rõ mồn một trên trán, bỗng giật mình nhìn lại sự việc, nhìn lại cảnh quang, lòng lại im lặng hỏi một câu: “Mình đã sống cuộc đời tuổi trẻ có đáng giá không?”
Một quãng thời gian dài đằng đẵng, tâm tư con người thay đổi, chỉ là thay đổi theo cách như thế nào mà thôi, nhạt nhòa hay đầy trải nghiệm họ có góc nhìn riêng. Một kẻ ru rú trong góc khuất của bản thân dĩ nhiên chỉ có thể nhìn thấy bóng tối, một người đi vào đời như thể ở đâu cũng là điểm tựa để mong hiểu nhiều việc thì nơi nào cũng là chỗ cho họ học tập, tìm hiểu.
“Tuổi trẻ như chiếc gương phản chiếu có âm thanh, bạn chọn hét to vào đó, thì sẽ vọng lại cả ‘hình ảnh’ và ‘âm thanh’ của chính mình, bạn chọn trau chuốt và đánh bóng thì nó sẽ đánh bóng lại tương lai của bạn”. Như thế, một tác phẩm viết bởi tác giả Rosie Nguyễn đã mang đến cho người đọc chưa, đang và sẽ tìm hiểu về chính tương lai của mình một trải nghiệm thực tế bằng chính kinh nghiệm của bản thân khi có một thời thanh xuân cháy bỏng nhiệt huyết nhưng cũng rất nhiều lo âu: “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?”
Cuốn sách của sự trải nghiệm
Nếu thực sự bạn đang vướng vào những năm tháng khó khăn, bế tắc, chưa thấy đâu là niềm tin và động lực, có lẽ đây là cuốn sách xứng đáng để bạn nên có. Với chính những tích lũy, Rosie Nguyễn đã chia sẻ kinh nghiệm của bản thân vào từng trang, từng chương để hoàn thành cuốn sách này. Từ một sinh viên Ngoại Thương, đánh giá bản thân sai lầm khi xem học ở trường là tất cả của sự nghiệp học hành mà quên mất việc tự học, chủ động trau dồi kiến thức, tiếc tiền mua sách. Cuối cùng chị chọn bước chân trên hành trình khám phá thế giới của riêng mình khi làm một người du lịch bụi và có thêm câu chuyện “Ta ba lô trên đất Á”.
Tìm hiểu về tác giả và đọc qua “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?”, với tổng hợp trong 5 phần khá ngắn gọn nhưng dễ hiểu, ít nhiều sẽ hiểu rằng, qua những lời chia sẻ trực tiếp hoặc qua trang sách là những kinh nghiệm quý báu, của một người gần như đi hết tuổi trẻ của mình, thay đổi cách học tập, làm việc, thay đổi bản thân, đúc kết lại cho người đọc vừa ở độ tuổi của những bạn học sinh vào đời, vừa ở độ tuổi là người sinh viên mới ra trường tìm việc làm, những người muốn lập nghiệp và nhiều câu chuyện xung quanh. Những người dám cháy vì ước mơ và khát khao đó, hết mình trên con đường đã chọn, có những câu chuyện trong cuốn sách, khi đọc mình còn thấy bản thân muốn đứng dậy đi ngay lập tức chứ chưa nói đến một người từng trải thực như thế. Từ đó, tác giả muốn cùng chia sẻ, muốn tuổi trẻ của nhiều bạn, nhiều người hiểu được như thế nào mới là giá trị, như thế nào mới là sống ý nghĩa.
Mang lại động lực, hơn cả một cuốn sách về kỹ năng
Cuộc sống thường ngày, tất cả mọi người luôn luôn tồn tại nhiều ‘bài toán’ và phương pháp giải quyết, dù ít hay nhiều. Dĩ nhiên, mỗi bài toán đó đều có cách hóa giải, nhưng, đa số chúng ta chỉ đi theo duy nhất phương pháp tối ưu mà đã được áp dụng hoặc đã chứng minh trước. Nếu phương pháp này không thành công, ta sẽ trượt dài trong thất vọng và ngẫm nghĩ:” Chẳng còn gì đúng cho mình”. Tại sao chúng ta không nghĩ đến một cách giải quyết khác, dù ít người tìm kiếm, dù không phải số nhiều đi theo? Tuổi trẻ cũng vậy, sẽ có những tháng ngày ‘lông bông’, có những ngày chán nản, uể oải, cực mệt mỏi chẳng muốn làm gì ai và cũng không muốn ai tác động đến mình. Một xu hướng giải quyết lúc này là đọc sách, giới trẻ chúng ta hầu như chỉ tìm đến những bài viết làm tăng mức độ cảm hứng, làm tăng hứng khởi ngay tức thì mà sau đó lại quên bẵng nó đi, như thể năng biến mất đi nhanh chóng rồi quay lại cảm giác không khác ban đầu.
Cứ như thế, luôn lục lọi, tìm tòi những cuốn sách cực tốt, cực kì chất lượng về thứ gọi là self-help khi trống rỗng, buồn bực nhưng chẳng áp dụng được gì cả. Thay vì vậy, đổi phương pháp, đọc ít lại những sách self-help, hãy tìm và đọc những trải nghiệm. Tất nhiên, kỹ năng chúng ta không mất đi, vẫn sẽ ở đó, lưu ở tâm trí, lại được cộng thêm những trải nghiệm thuyết phục và thực tế, phải chăng không đáng để thử?
Đọc “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?”, mỗi phần lại có nhiều điểm hay, như được trải nghiệm thực tế cùng tác giả. Bàn về việc học, Rosie Nguyễn đã cảm thấy hối hận khi kể lại, chính vì điều này, những người trẻ, đọc qua phần này, sẽ hiểu được tâm sự của tác giả, cũng như nên biết làm gì cho tuổi trẻ của mình, đừng để trôi qua một cách vô nghĩa và phải tiếc nuối.
“Các bạn trẻ không nên bỏ phí tuổi trẻ của mình vào những thú vui khác mà quên đi việc đọc sách mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng”. Quan điểm của tác giả về đọc sách luôn là “sách chính là cả thế giới”, thật sự đọc sách cực kì quan trọng, có thể thay đổi con người, tuy nhiên đi cùng với đó phải biết đọc sách đúng cách ta mới thể học tập và hiểu thêm được nhiều kiến thức. Đồng ý rằng, việc cùng bàn về đọc sách là một trong những điểm nhấn nổi bật của cuốn sách.
Người thành đạt là người đọc sách, đọc rất nhiều sách, chính vì vậy, tác giả thường xuyên đề cập đến vấn đề không nên quên đi việc đọc sách mỗi ngày, đây cũng là điểm chung của nhiều cuốn sách kỹ năng sống và thói quen cần cải thiện những bạn trẻ hiện nay.
“Đừng dựa vào trường học”- Liệu nên học hay không học? Học ở trường và học ở cuộc sống như thế nào? Với tác giả, đánh giá về trường học khá thấp, không phải tất cả nhưng ý kiến của Rosie Nguyễn là một điểm “nói nặng”, thể hiện đúng tính chất của việc học hiện đại này. Tiếp theo, những câu chuyện về khó khăn, thử thách tạo động lực cho các bạn trẻ vượt qua, để cùng tiến bộ và tự tay vẽ ra câu chuyện của bản thân cũng là một phần chứng minh cho tính thực tế của cuốn sách.
“Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” còn là cẩm nang tạo một hành trình mới mẻ cho nhiều bạn đang làm việc tại chốn công sở, thường áp lực, mệt mỏi và “đấu tranh” kịch liệt. Bởi, có những lúc thật sự thấy phải thay đổi môi trường mới, chuyển công việc gò bó thàn đam mê, tạo ra bước ngoặt khác biệt cho chính mình.
Xem thêm: Review Sinh Ra Là Một Bản Thể Đừng Chết Như Một Bản Sao
Sẽ có chỉ trích và khen ngợi, bàn luận trung gian khi một cuốn sách xuất bản. Dù chỉ trích hay ủng hộ, chúng ta cũng phải xem xét khách quan nhất trước khi đưa ra kết luận, không một lý luận hay quan điểm nào phù hợp với tất cả mọi người trên thế giới và chắc chắn không có ngoại lệ. “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” quả thực mang đến những thay đổi cho nhiều bạn trẻ và cả những người đã đi qua thời niên thiếu đó.
Sau cùng, không đơn thuần là sách kỹ năng sống, còn hơn thế nữa, là trải nghiệm rất chân thật, gồm cả lý thuyết và thực hành, mang lại nguồn động lực và nhiệt huyết lâu dài cho mọi người, đặc biệt là những người trẻ – thế hệ tiến bộ, đang cần thêm nhiều tinh thần, trí tuệ và thực tiễn để sẵn sàng nâng đôi chân đi về phía trước một cách dũng cảm.
Những trích dẫn hay và ý nghĩa trong Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu
Những trích dẫn truyền động lực giúp bạn trẻ thay đổi trong sách Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu. Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu cuốn sách truyền năng lượng tích cực cho bạn trẻ, giúp cho bạn trẻ có thêm nhiều kinh nghiệm và mạnh mẽ hơn khi bước chân vào đời.
- Nếu mượn được cổ máy thần kỳ của Doreamon, nếu được quay về quá khứ, nếu có thể nhắn nhủ với tuổi trẻ của tôi một điều thôi, thì điều mà tôi lựa chọn là: Đọc sách nhiều nữa vào, đồ ngốc ạ!
- Không quan trọng là mình học trường gì, quan trọng là mình tự học thế nào. Thành công không hề ưu tiên những người dán mác Bách khoa, Kinh tế, Ngoại thương hay du học.
- Bạn thân mến, đừng cầu nguyện để đời bạn không phải trải qua những nghịch cảnh, khó khăn. Mà cầu nguyện để bạn đủ sức để đương đầu với những sóng gió của cuộc đời. Hãy mỉm cười, nhìn lên bầu trời cao xa. Dù là ngày trời xanh nắng đẹp hay ngày mây mù âm u, thì bạn cũng sẽ không có cơ hội nhìn thấy bầu trời chính xác như thế này lần nữa.
- Học thật nhiều, làm thật nhiều, đi thật nhiều, gặp gỡ thật nhiều người và chứng kiến nhiều điều. Phấn đấu dấn thân xông pha trải nghiệm là cách tốt nhất để xây dựng nền tảng tiền đề cho tương lai.
- Khi mọi thứ đang chống lại bạn, hãy nhớ rằng, máy bay cất cánh bằng cách bay ngược chiều gió chứ không phải xuôi chiều gió.
- Đừng học vì trao lưu, hãy học vì ham thích. Theo đuổi tri thức đích thực, khám phá đam mê bản thân! Chú ý tới những điều mà xã hội và gia đình vẫn hay khuyên bảo, chưa chắc chúng là tốt nhất cho em.
- Ta chỉ có một cuộc đời để sống, sao không làm những điều thực sự có ý nghĩa với bản thân?
- Bạn hối tiếc vì không nắm bắt lấy một cơ hội nào đó, chẳng có ai phải mất ngủ. Bạn trải qua những ngày tháng nhạt nhẽo với công việc bạn căm ghét, người ta chẳng hề bận lòng. Bạn có chết mòn nơi xó tường với những ước mơ dang dở, đó không phải là việc của họ. Suy cho cùng, quyết định là ở bạn. Muốn có điều gì hay không là tùy bạn. Nên hãy làm những điều bạn thích. Hãy đi theo tiếng nói trái tim. Hãy sống theo cách bạn cho là mình nên sống. Vì sau tất cả, chẳng ai quan tâm.
- Hãy mỉm cười, nhìn lên bầu trời cao xa. Dù là ngày trời xanh nắng đẹp hay ngày mây mù âm u, thì bạn cũng sẽ không có cơ hội nhìn thấy bầu trời chính xác như thế này lần nữa. Hãy bơi đi.
- Những năm tháng chông chênh nhất, những năm tháng một mình kiểu chọn nghỉ học, trường lớp bạn bè nghỉ chơi vì không ai khuyên bảo được, thì không tìm đâu được một người, hay thậm chí một cuốn sách dẫn lối. Cảm giác bị cả thế giới quay lưng, ngày ngày cắm đầu vào một thế giới khác, chỉ vì ở đó không có ai phản đối. Ngày đó không hiểu sao mình lại nổi loạn vậy. Nay hiểu rồi lại không muốn giải thích nữa. Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? Mỗi người được mấy năm thanh xuân? Là một đứa tham lam, nhìn lại vẫn thấy mình đã lãng phí quá nhiều.
- Những ngày tuổi trẻ tưởng dài rộng mênh mông nhưng kỳ thực lại rất hữu hạn ngắn ngủi. Nên nếu bạn còn trẻ, hãy học cách để biến tuổi trẻ của bạn thành vô giá.
- Sau những lần thất bại trong cuộc sống, sau những va vấp của tuổi trẻ, từ bao giờ chúng ta đã tự thuyết phục bản thân rằng mình là một người bình thường, mình không có gì đặc biệt, rằng hãy thôi mơ mộng viển vông, hãy chấp nhận sống một cuộc đời bình thường, có những công việc bình thường. Và rồi chúng ta chết đi, trên tấm bia mộ ghi: “Đây là nơi yên nghỉ của một người hoàn toàn bình thường.”
- Nếu không hành động, thì ta không thể nào có được cuộc sống viên mãn theo đúng khả năng của mình. Nếu không nỗ lực, thì những tố chất bên trong mỗi người chúng ta sẽ không thể nào hé lộ, mãi mãi tiềm ẩn phí hoài. Nuôi dưỡng ngôi sao trong mình, vun trồng những tiềm năng tố chất. Để một ngày nào đó, tỏa sáng rực rỡ. Cuộc đời là một bộ phim mà trong đó ai cũng phải đóng một vai trò nào đó. Vậy sao không tỏa sáng trong vở diễn đời mình?
- Sự tò mò có thể dẫn lối bạn đam mê, đưa bạn qua ngưỡng cửa của sự quen thuộc, đến những con đường lạ, vào những khu vườn bí mật. Hoặc nó có thể dẫn bạn tới một nơi đồng không mông quạnh hoàn toàn trống rỗng. Nhưng đi theo một lối nào đó còn tốt hơn là đứng yên bối rối. Hãy đi theo sự tò mò hiện tại. Để nó dẫn ta đi. Hãy thử đến cùng với nó. Rồi nếu thấy nó không phải dành cho mình, thì có thể tạm biệt sự tò mò đó mà theo đuổi điều tò mò khác. Trên chặng đường đó, thì bạn đã học được rất nhiều so với đứng yên.
- Có một câu nói rằng: Nếu bạn muốn có một kết quả khác, hãy thử hành động khác đi. Nếu thay thế những thói quen tiêu cực dần dần từng thứ một bằng một thói quen tích cực, ta sẽ tốt lên, cuộc sống cũng vì thế mà thay đổi.
- Nguồn lực trong đời không thiếu. Người tốt ở đời rất nhiều. Không lên tiếng chẳng ai biết mà giúp. Chẳng xuống nước thì không thể biết bơi. Sống thụ động thì chẳng khác gì đời cây cỏ. Như thế khác nào tự đào hố chôn mình. Sống ở thế chủ động là chủ động học tập, chủ động hỏi han, chủ động giúp đỡ người khác, chủ động gợi ý người khác giúp đỡ mình, chủ động cứu giúp mình. Chứ em không cứu mình thì ai cứu được em.
- Nhiều người chấp nhận sống với một công việc suốt cả đời, điều đó không có gì sai nếu như họ thấy hạnh phúc mãn nguyện. Nhưng nếu bạn không hài lòng với công việc hiện tại, muốn chuyển hướng sự nghiệp, theo đuổi một con đường khác, thì hãy bắt đầu thay đổi. Hãy lập kế hoạch cho cú nhảy cuộc đời, tìm cách sống với đam mê của mình.
- Có thể bây giờ bạn không nhận ra, nhưng tuổi đôi mươi là tuổi tạo tiền đề. Đây là khoảng thời gian mà bạn xây dựng, gieo trồng, chứ không phải là thời gian nghỉ ngơi thụ hưởng. Hãy tận dụng khoảng thời gian này để học hỏi, bước đi, làm thật nhiều thứ. Hãy đọc nhiều hơn, lăn lộn nhiều hơn, thực hành nhiều hơn. Chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, mạng lưới hỗ trợ cho tương lai. Kỹ năng nếu không được học trong thời trẻ, thì sau này môi trường ổn định ít va chạm rất khó để học lại được. Tuổi trẻ đã qua sẽ không bao giờ trở lại, hãy sống như thể ta chỉ còn lại một ngày để sống.
Hi vọng thông qua những câu trích dẫn trên đây sẽ giúp bạn trẻ có thêm nhiều động lực để thay đổi tích cực và khiến cho tuổi trẻ của mỗi chúng ta đều rực rỡ.
Nguồn : https://www.reader.com.vn/tuoi-tre-dang-gia-bao-nhieu-a139.html