Đằng sau một cuộc tình tan vỡ là điều gì? Lời xin lỗi liệu có là đủ để làm nguôi ngoai nỗi đau của người bị bỏ lại? Tình yêu thời nay, chỉ yêu thôi chưa bao giờ là đủ? Nếu bạn còn chưa thể chắc chắn khi đưa ra câu trả lời của mình, vậy thì hãy cùng tìm đáp án cho những câu hỏi trên trong “Em là nhà” của tác giả Lan Rùa – Một cuốn tiểu thuyết viết về nhưng mối tình đan xen, là món quà, là lời nhắn nhủ của một người trẻ, gửi đến nhiều người trẻ.
1. Giới thiệu tác giả
Lan Rùa là một tác giả nổi tiếng của dòng văn mạng. Cô tự giới thiệu mình thuộc cung Kim Ngưu và viết truyện như một sở thích. Lan Rùa là tác giả của nhiều bộ truyện nổi tiếng trên mạng xã hội, thu hút hàng ngàn lượt xem trước khi tác phẩm được xuất bản thành sách. Lan Rùa bằng ngòi bút của mình đã liên tục làm dậy sóng những người yêu mến tiểu thuyết ngôn tình Việt. Bởi ở những gì Lan Rùa viết họ tìm được lại những cảm xúc vui buồn, vỡ òa, nghẹn ngào đôi khi là đã bỏ quên ở đâu đó. Không nhiều tác giả Việt Nam có được một lượng fan trung thành đông đảo đến như vậy, vậy mà cái tên “Lan Rùa” lại làm được điều đó.
Các tác phẩm nổi tiếng của Lan Rùa có thể kế đến như Em là nhà, Vì vợ là vợ anh, Lẽ nào em không biết, Cây kim sợi chỉ,…
2. Giới thiệu tác phẩm
“Em là nhà” là cuốn tiểu thuyết viết theo thể loại tình cảm, được xuất bản vào năm 2017. “Em là nhà” đã tạo được sự thu hút lớn của độc giả từ trước khi được xuất bản. Sự khác biệt này là bởi cuốn tiểu thuyết này lần đầu ra mắt theo dạng truyện online. Truyện được đăng tải miễn phí tại các trang mạng xã hội. Sau khi tạo được tiếng vang lớn, thu hút đến 20 triệu lượt xem của độc giả, tiểu thuyết “Em là nhà” được đề nghị xuất bản thành sách.
Tiểu thuyết Em là nhà
3. Tóm tắt nội dung và review tiếu thuyết “Em là nhà”
“Em là nhà” kể về câu chuyện tình yêu ngọt ngào của 2 nhân vật chính có cái tên rất bắt tai và mang tính Trung Quốc hóa là Kiều Như Nguyệt và Hà Quốc Trung, dù câu chuyện không ngọt ngào xuyên suốt từ đầu nhưng vẫn đủ làm bao người mơ ước.
Nữ chính được xây dựng là người con gái bất hạnh, không có bằng cấp chính quy trong tay nhưng lại sở hữu trí thông minh và sự khéo léo đủ để mở một cửa hàng bánh của riêng mình từ khi chỉ mới 18 tuổi. Số tiền kiếm được, Nguyệt dùng để chạy chữa cho ba mẹ của người yêu cũ Việt An và lại càng bất hạnh hơn khi Việt An lại đi dan díu với Hà Vi là bạn thân của Nguyệt từ khi học cấp ba. Hà Vi là một cô gái xinh đẹp và phía sau là cả một gia đình bề thế. Sóng gió từ đó cứ đổ ập vào đời Như Nguyệt. Bình yên hết lần này đến lần khác mà rời bỏ cô đi.
Một câu nói hay từ Tiểu thuyết Em là nhà
Đứng lên từ những tổn thương sâu sắc sau khi kết thúc mối tình 7 năm với Việt An, Nguyệt đã gặp lại Quốc Trung. Trung chính là người yêu thầm Nguyệt từ khi còn bé vừa trở về từ nước ngoài. Sau đó, cả hai rơi vào lưới tình, câu chuyện tình yêu của họ bắt đầu với hàng tỉ những nút thắt nhớ nhớ quên quên vô cùng phi lý và bất thường. Cả hai đã cùng nhau vượt qua những tháng ngày đen tối nhất của cuộc đời, để rời cùng trở thành gia đình của nhau, say này sinh đôi hai cô công cháu đáng yêu trong “Lẽ nào em không biết”. Mặc dù cốt truyện rõ ràng không có gì nổi trội, vẫn mô típ bạn thân, trả thù, phản bội, nhưng đọc vẫn có sự cuốn hút riêng.
“Em là nhà” là câu chuyện tình với nhiều nước mắt, nhiều hận thù, nhưng cũng không thiếu những điều ngọt ngào và những hạnh phúc bình dị. Mỗi trang sách bạn lật mở, mỗi nỗi đau bạn cảm nhận cùng những nhân vật chính là mỗi lần bạn xóa đi lớp sương mù đang giăng trong mình về tình yêu. Không phải tự nhiên mà Việt An lại rời bỏ Như Nguyệt để đến với Hà Vi. Chẳng phải tự nhiên mà Mai và Như Nguyệt trở thành đối thủ và nhìn nhau bằng ánh mắt hình viên đạn, dù trước đó họ từng rất thân. Cũng chẳng phải tự nhiên mà Như Nguyệt có thể dễ dàng bước qua những đổ vỡ của đời mình.
Một trang sách từ Tiểu thuyết Em là nhà
Vậy đó, chuyện tình yêu trong “Em là nhà” không chỉ đơn thuần là những lần yêu – chia tay, cũng không hẳn là những thù hằn hay những mưu kế trả thù. Đó là cuộc sống của những người trẻ chông chênh, mỏng manh và đơn độc giữa những tháng ngày bão tố. “Em là nhà” nhẹ nhàng như vị tình yêu đầu đời, đắng chát như mùi thù hận và bất ngờ với những bí mật sâu thẳm. Điểm chạm rất nhỏ và nhẹ mà tác phẩm cho người đọc là một vài hình ảnh về tình yêu sứt nẻ, mất lòng tin vào một điều gì đó, không ngừng hy vọng và có được điều mình muốn, quan trọng là không phải do mong cầu mà vì sự tử tế mà cuộc đời được đền đáp.
Ở tác phẩm này, tác giả dùng lối kể chuyện theo ngôi thứ ba, cách hành văn đơn giản, dễ hiểu, không đánh đó người đọc hoặc đa nghĩa. Văn phong của Lan Rùa trong truyện khá thực tế, trần trụi, nhưng nếu ai không quen thì sẽ thấy có những câu nói có chút thô, những đoạn ngọt ngào tình cảm thì muốn sún răng. Cũng như đa số các truyện theo lối ngôn tình, “Em là nhà” thu hút người đọc bởi sự dễ hiểu, dễ tiếp xúc và nội dung cuốn hút. Song để gây ấn tượng, suy ngẫm hoặc cô đọng về nội dung và ý nghĩa sau khi đọc thì tác phẩm này chưa làm được điều đó.
Truyện ngoài cho độc giả cảm giác ấm áp của tình yêu còn cho cảm giác ấm áp của tình thân mỗi khi đọc đến đoạn gia đình của Như Nguyệt. Rốt cuộc là truyện mang tính giải trí cao, có những đoạn rất thật, có những đoạn hơi ngôn tình. Vì vậy có lẽ nó phù hợp với tuổi 20 hơn với các độc giả trung niên, lớn tuổi hoặc nhỏ tuổi. Nếu bạn đang tìm kiếm một tiểu thuyết tình cảm có chiều sâu và nhiều ý nghĩa thì “Em là nhà” không phải là một lựa chọn phù hợp. Mặc khác, tác phẩm này có rất ít các đoạn văn đi sâu phân tích cảm xúc nhân vật mà đa phần là đối thoại, kể chuyện nên truyệt có tiết tấu khá nhanh, các tình huống diễn ra liên tục và dồn dập. Bởi vì thế nên người đọc ít có đủ thời gian để cảm nhận rõ hơn về nhân vật mà phần nhiều là bị cuốn theo mạch truyện.
3. Một số trích dẫn nổi bật của tiểu thuyết “Em là nhà”
Em là nhà, nơi đâu có em, đó là nơi anh tìm về.
Trên thế gian này, đích thực có một người như vậy, một người cho bạn cảm giác đi đâu không quan trọng, quan rọng là có anh ấy ở bên.
Em chẳng sợ cuộc đời nhiều biến cố, chỉ sợ không có anh siết chặt tay em.
Có những biến cố trong cuộc đời, đôi khi tưởng đau khổ muốn chết. Kì diệu thay, một ngày bình tĩnh nghĩ lại, mới biết là may mắn vô biên.
Tới giờ phút này, mình nhận ra câu nói ngọt ngào nhất mà đàn ông dành cho phụ nữ không phải em thật đẹp, anh yêu em, anh sẽ bên em trọng đời, hay anh nguyện làm tất cả vì em…mà đơn giản chỉ là…Em là nhà!
Truyện cũng đưa ra sự cảnh tỉnh, không nên tin tưởng người ta quá nhiều, để rổi bản thân phải đau đớn giống như Nguyệt vậy. Nhưng lại là một câu chuyện có hậu “gieo nhân nào gặp quả nấy”, chỉ cần tình cảm chân thành thì mọi hiểu lầm đều được xóa nhầm. Hãy đọc “Em là nhà” và cảm nhận để tự tìm đáp án cho những câu hỏi vẫn còn đang bỏ ngỏ trong trái tim của bạn.
Nguồn : https://www.reader.com.vn/review-tieu-thuyet-em-la-nha-lan-rua-a364.html