Không khắc họa riêng lẻ một nhân vật chính, “Sống Mãi Với Thủ Đô” của Nguyễn Huy Tưởng tập trung mô tả một lớp người đã hòa mình vào dòng chảy sục sôi của thời đại, tái hiện những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến ở thủ đô Hà Nội vào mùa đông năm 1946.
Chiến lược cho cuộc kháng chiến chống Pháp do Việt Minh lãnh đạo được tóm lược trong tài liệu “Kháng chiến nhất định thắng lợi” của Trường Chinh là chia kháng chiến ra 3 giai đoạn: cầm cự, phòng ngự, phản công.
Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ, từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12 năm 1946, các cấp địa phương được lệnh tản cư người già, phụ nữ và trẻ con, đồng thời di chuyển các kho hàng, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất vũ khí ra ngoại thành, về nông thôn, lên rừng núi, đề phòng chiến sự lan rộng. Từ sau đêm 19/12/1946, tiến hành đợt “tổng di chuyển” triệt để, rộng lớn. Quân đội chính quy Việt Minh cũng được lệnh rút khỏi Hà Nội để bảo toàn lực lượng. Thủ đô chỉ còn lại các đơn vị tự vệ chiến đấu, công an xung phong và vệ quốc đoàn phối hợp với nhân dân Hà Nội tổ chức đánh trả và kìm chân quân Pháp.
Chuyện về một lớp người đã hòa mình vào dòng chảy sục sôi của thời đại.
24 chương của “Sống mãi với thủ đô” chính là viết về nguyên mẫu lớp người ấy, những con người đã bám trụ với thủ đô giữa bối cảnh trước và sau đêm 19/12/1946 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ban bố hiệu triệu Toàn quốc kháng chiến.
Người Hà Nội đứng trước lựa chọn chết vinh hay sống nhục, trốn chạy hay ở lại sống chết với thủ đô. Mỗi số phận nhỏ nhoi hoang mang trước vận mệnh của Hà Nội.
Có những người bấp bênh, dao động. Có những người không ủng hộ Việt Minh. Có nhiều nhà bào chế không chịu quyên thuốc men. Có cả những kẻ phản động.
Nhưng đại đa số đã chọn ở lại với thủ đô để chiến đấu đến cùng. Đó là những con người bình thường xuất thân từ mọi tầng lớp, mọi ngành nghề. Họ có thể là cô cậu con nhà phú quý, cũng có thể là dân nghèo bữa đói bữa no. Họ có thể là giáo sư, học sinh, sinh viên, tiểu thương, công viên chức, cũng có thể là người bán hoa, thợ nguội, thợ xẻ, tài xế, thợ chữa xe đạp… Họ tuy không giữ trọng trách gì nhưng vẫn chung một niềm đau đáu về sự sinh tồn của Hà Nội – mảnh đất chôn nhau cắt rốn, mảnh đất phong phú, phức tạp, muôn hình muôn vẻ.
Người Hà Nội đã tự võ trang đứng dậy, hăng hái xung vào các tổ tự vệ, nêu cao khẩu hiệu: “Mỗi phố là một mặt trận, mỗi nhà là một pháo đài”. Mọi người cùng nhau đào hầm, đắp ụ, dựng chướng ngại vật, đục các lỗ giao thông xuyên nhà nọ sang nhà kia. Chị em các chợ nhất tề bãi thị, thề không bán lương thực cho Pháp. Họ tự động quyên tiền mua súng đạn, quyên gạo giúp đỡ bộ đội.
Thanh niên Hà Nội đã được sơ bộ học tập về chính trị, về thường thức quân sự, về vị trí chiến lược của thành phố trong chiến tranh. Họ được hướng dẫn cách đánh du kích trong thành phố và hoạt động của các đội du kích nội thành. Họ đã thề “Sống chết với thủ đô”, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, “Thà chết không chịu trở lại kiếp nô lệ”,…
“Tất cả những con người ấy, bị áp bức, bị bóc lột, bị đày đoạ về tinh thần và vật chất, dưới thời nô lệ, đã thấy rõ cách mạng đem lại quyền lợi cho mình. Từ ngày tiền khởi nghĩa đến giờ họ đã được giáo dục, được động viên, được tổ chức, nên họ có một lòng căm thù sâu sắc đối với giặc, một lòng tin tưởng tuyệt đối vào Chính phủ, vào Hồ Chủ tịch.”
Cuốn tiểu thuyết làm sống dậy những thời khắc lịch sử đầy đạn bom khói lửa, đầy máu và nước mắt, nhưng vẫn mang âm hưởng lạc quan trong tiếng cười nói, tiếng trẻ rao bán báo, tiếng rao hàng, tiếng đàn ấm áp, tiếng sinh hoạt… gợi nên một bản hòa tấu rất riêng, rất Hà Nội. Nguyễn Huy Tưởng dựng nên nhiều lớp người, thuộc mọi địa vị trong xã hội Hà Nội với nét ứng xử rất đặc trưng, miêu tả từ cái bộn bề của cuộc sống bên ngoài đi sau vào sự phức tạp của tâm lý bên trong. Một ngòi bút văn chương đậm chất điện ảnh.
Đáng tiếc là tác phẩm khép lại khi tất thảy vẫn còn bỏ ngỏ, như Nguyễn Tuân đã viết trong phần lời bạt:
“Tôi gấp lại tiểu thuyết “Sống mãi với thủ đô” chưa đáng phải gấp lại. Thấy tủi tủi cho lũ nhân vật tiểu thuyết kia đang ngơ ngác giữa cái ngã tư nghệ thuật như là đang ngóng chờ sự chỉ đường nào của một bạn công an cảnh giới trật tự.”
Hà Nội trong đôi mắt của kẻ si tình.
Nguyễn Huy Tưởng là người chăm chỉ thâm nhập thực tế, từ những vấn đề mang tính thời sự đến các mặt khác nhau của đời sống cách mạng. Bên cạnh đó, nhà văn vẫn ôm hoài bão về đề tài thủ đô. Cái tình với thủ đô của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng thắm đượm nồng nàn và dễ dàng thấu tỏ.
“Sống mãi với thủ đô” đi thẳng vào cuộc kháng chiến của Hà Nội, nhưng với sức quan sát tỉ mẩn, đầy tinh tế từ một kẻ si tình với thủ đô, Hà Nội lại được hiện ra trong vẻ toàn vẹn và phức tạp của nó, chứ không chỉ là niềm đau thương. Mà kể cả đau thương, thì Hà Nội vẫn đẹp trong con chữ của Nguyễn Huy Tưởng.
“Cái thành phố già nua của anh, trải qua nhiều tàn phá của gió bão, nhiều đổi thay của xã hội, đã hơn một lần có những buổi sáng như hôm nay, lúc mà những sinh hoạt đầy màu sắc của hè đường đột nhiên im ắng, thì cũng là lúc người dân mới chú ý tới và yêu thương thêm những mái nhà nho nhỏ, ép vào nhau, im lìm trên nền trời, kề bên những hàng cây um tùm, ủ rũ, thì thầm trong những suy nghĩ và đàm luận muôn đời, để chịu đựng, chống chọi và cố vươn lên. Trần Văn nghĩ như vậy, và trong cái buổi sáng khô lạnh này, anh thấy các phố xá cũ kĩ, chen chúc, chẳng có gì đồ sộ, phủ một màu xám nham nhở, lại có cái đẹp riêng, sắt lại trong một vẻ buồn nghiêm nghị.”
Hà Nội chịu đựng, chống chọi và cố vươn lên. Tựa như cách Hà Nội bảo bọc toán quân tự vệ đủ mọi thành phần, vững vàng thực hiện nhiệm vụ đánh trả, cầm cự, kìm chân quân địch trong vị trí chiến lược của mình, góp phần vào sự nghiệp kháng chiến chung của đất nước, vì một Việt Nam độc lập, thống nhất, sạch bóng quân thù.
Dấu chấm lửng đầy tiếc nuối trong văn nghiệp của Nguyễn Huy Tưởng.
Trong bối cảnh hòa bình tái lập năm 1954, Nguyễn Huy Tưởng ấp ủ một thiên truyện dài để tưởng niệm Chín năm kháng chiến trường kỳ đầy oanh liệt, đồng thời tri ân những con người đã hiến thân cho lý tưởng cao đẹp của Tổ quốc, mà nhiều người trong đó là bằng hữu thân thiết của tác giả.
Những trang nhật ký về sau được gia đình nhà văn công bố đã tiết lộ rằng, Nguyễn Huy Tưởng dự tính viết một áng văn chương mang tầm vóc lớn lao về cuộc kháng chiến chống Pháp, chia làm ba giai đoạn: Từ chiến đấu Liên khu I 1946 đến chiến dịch Việt Bắc 1947, từ chiến dịch Việt Bắc 1947 đến chiến dịch Biên giới 1950, và từ chiến dịch Biên giới 1950 đến chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.
Đáng buồn thay, ông mới chỉ viết được cuốn đầu tiên thì bất ngờ ra đi vì bạo bệnh, vào một ngày hạ buồn năm 1960. Một năm sau, tập thủ cảo được Nhà xuất bản Văn Học ấn hành với tựa đề “Sống mãi với thủ đô”.
Nhà văn của những khúc sử ca hào hùng đã yên giấc ngàn thu, để lại một dấu chấm lửng đầy tiếc nuối trong sự nghiệp văn chương của riêng ông và cho cả nền văn học Việt Nam, một thiên hùng ca còn dang dở!