Là tác phẩm thứ tư thuộc series trinh thám tâm lý học tội phạm nổi tiếng của nhà văn Lôi Mễ, trọn vẹn tiểu thuyết Sông ngầm chứa đựng những nỗi đau rất thật về cái ác chảy ngầm trong lòng xã hội, về lương tâm của người cảnh sát khi đặt lên bàn cân giữa một bên là tiền tài, danh vọng với một bên là con người và tính mạng của chính bản thân họ.
Sông ngầm – cuốn tiểu thuyết hình sự phá án
Có thể nói, trong series tinh thám tâm lý học tội phạm của tác giả Lôi Mễ, Sông ngầm là một tác phẩm rất đặc biệt. Cuốn sách đó không phải là đỉnh cao của series trên khía cạnh trinh thám với những vụ án hóc búa, rùng rợn cùng một tên tội phạm trí tuệ cao có khả năng phản trinh sát mạnh mẽ như Đề thi đẫm máu. Sông ngầm cũng không phải đỉnh cao về yếu tố tâm lý thể hiện ở từng loại tội phạm: những người thực sự mắc bệnh tâm lý và những kẻ lợi dụng việc điều trị cho họ hòng điều khiển họ gây án nhằm mưu lợi cá nhân; đồng thời ở những lý thuyết tâm lý được mô tả, diễn giải chi tiết và cài cắm, sử dụng như một trong những tình tiết, yếu tố chính yếu của tác phẩm như cuốn thứ ba trong cùng series: Cuồng vọng phi nhân tính – Giáo hóa trường. Mà tiểu thuyết Sông ngầm, thật sự rất gần với thể loại hình sự phá án từ cốt truyện đến từng tình tiết sự kiện lẫn cách tác giả xây dựng nhân vật. Và có thể nói chăng, Sông ngầm là cuốn sách thể hiện rõ nhất tính đặc thù nghề nghiệp của tác giả Lôi Mễ – một cảnh sát trực tiếp đứng lớp giảng dạy ở một trường cảnh sát thuộc Bộ Công an Trung Quốc trong sự nghiệp sáng tác của ông, tính tới thời điểm hiện tại.
Tác phẩm mở đầu bằng sự kiện Phương Mộc được cử tới để hỗ trợ Tiêu Vọng – thành viên đội cảnh sát hình sự thành phố S phá vụ án mất tích của diễn viên điện ảnh Bùi Lam. Nhưng tình tiết câu chuyện nhanh chóng vượt ra ngoài vụ án mất tích ấy để móc nối với Phần dẫn Cạm bẫy, thứ cạm bẫy kẻ ác giăng ra đã bẫy lấy người cảnh sát gạo cội – Cục trường Hình Chí Sâm, biến ông trở thành nghi can của một vụ giết người. Và từ đó, mở ra những sự thật khủng khiếp: cái chết thương tâm của con gái Cục trưởng Hình, nguyên nhân khiến ông bất chấp nguy hiểm, nén đau thương thành động lực mà lao vào điều tra; những cái chết xảy ra liên tiếp với các chiến sĩ cảnh sát có liên quan tới vụ án Cục trưởng Hình Chí Sâm theo đuổi, nạn buôn người, sự tha hóa của một bộ phận cảnh sát…
Khác rất xa với những cuốn tiểu thuyết dạng suy luận phá án cổ điển, trong Sông ngầm cũng không có một tên tội phạm duy nhất gây nên những án mạng liên hoàn; Sông ngầm, gần như thuần túy là sự tái hiện, thuật lại hành trình, công tác nghiệp vụ của người cảnh sát Phương Mộc cùng các đồng đội – những người cảnh sát hình sự của anh trong suốt quá trình điều tra, phá án. Một trong những chủ đề tài tác phẩm hướng tới, cũng không nhằm khắc họa chân dung kẻ tội phạm hoàn hảo với cái tôi điên loạn, mà chủ đề Sông ngầm gần gũi hơn, chân thực hơn, cũng đau thương hơn – nạn buôn người, cụ thể là buôn bán phụ nữ, trẻ em. Vì thế, mọi sự hi sinh, ngã xuống của các chiến sĩ cảnh sát ở cuốn sách này, từng chi tiết bi ai được xây dựng, đều rất đời, rất thực, thực một cách tàn nhẫn.
Bản thân tác giả Lôi Mễ từng chia sẻ, Sông ngầm được ông viết dựa trên chính hiểu biết của ông về các sự kiện, câu chuyện có thật ở vùng biên giời Trung Quốc – nơi hoạt động buôn bán phụ nữ, trẻ em đã trở thành vấn nạn nhức nhối. Có phải vậy chăng, Sông ngầm mang đậm chất hình sự phá án đến thế; và cũng chân thực, đau thương tới vậy?
Khi lương tâm người cảnh sát bị đặt lên bàn cân
Không thể phủ nhận một điều rằng, cảnh sát là một trong những nghề nguy hiểm và dễ bị tha hóa nhất. Đặc biệt khi đó là người cảnh sát hình sự, phải trực tiếp đối mặt với những vụ trọng án, tính mạng của họ như luôn bếp bênh giữa lằn ranh sự sống – cái chết; và lương tâm của họ, luôn bị đặt lên bàn cân giữa một bên là trách nhiệm, tinh thần xã thân vì nghĩa với một bên là tiền tài, danh vọng, cuộc sống giàu sang, phú quý vắng bóng hiểm nguy. Là người trong ngành, có lẽ hơn ai hết, tác giả Lôi Mễ thấu triệt lắm lằn ranh, cán cân mong manh ấy trong cuộc đời người cảnh sát hình sự. Để rồi, hiện thực nghiệt ngã về số phận người cảnh sát hình sự được tái hiện đầy chua xót trong tiểu thuyết Sông ngầm.
Trước hết, cần phải nói rằng, không phải tới Sông ngầm, những hi sinh, đau thương, mất mát mới xuất hiện trong tác phẩm của “thầy Lôi”. Mà cái chết vẫn luôn trở đi trở lại ở cả ba tác phẩm trước đó: Độc giả thứ 7, Đề thi đẫm máu, Cuồng vọng phi nhân tính lẫn tiểu thuyết Ánh sáng thành phố sau này. Nhưng riêng ở Sông ngầm, nỗi đau đó mới như đẩy lên tới đỉnh điểm khi cái chết được khắc họa rõ nét, tỉ mỉ, đầy thương tâm và những người ngã xuống, chính để bảo vệ, ươm mầm cho những sự sống khác.
Đó là cái chết đến không còn nhận ra nhân dạng của cảnh sát Đinh Thụ Thành khi anh làm nhiệm vụ, khi anh gắng sức, bảo vệ sinh mạng của một cô bé. Đó là cái chết của Cục trưởng Hình Chí Sâm, ban đầu vì tư thù cá nhân mà theo đuổi Lương Tứ Hải nhưng càng về sau, tính chất vụ án ngày một nghiêm trọng cũng là lúc, việc công được ông đặt lên trên cả chuyện cá nhân ban đầu. Và đau đớn nhất, có lẽ không thể không nhắc đến cái chết của ba chiến sĩ Trịnh Lâm, Hải, Triển; họ ra đi chẳng để lại gì cho cuộc đời, dẫu là một phần thân xác. Con người họ, đã tan biến vào khối thép lạnh chìm dưới đáy biển sâu.
Từng cái chết, chính là minh chứng cho trái tim ấm nóng, quả cảm của người chiến sĩ: vì nhân dân quên mình, vì nhân dân mà không tiếc cả máu thịt. Đó là trách nhiệm, nhưng cũng là cái tâm, là chữ tình của những con người đã khoác lên mình bộ cảnh phục, nguyện đứng trong hàng ngũ cảnh sát.
Tuy nhiên, dẫu là cảnh sát thì bản thân họ cũng là con người với tất cả thất tình lục dục. Bởi thế, đâu phải lúc nào họ cũng có thể kiên định được chính nghĩa ban đầu. Đấy cũng là lúc, tính mạng của họ đặt trên lằn ranh sinh – tử, ấy cũng là khi, lương tâm của họ bị đặt lên bàn cân trước khi đưa ra quyết định hành động.
Thật sự, với một người chiến sĩ, có quá nhiều yếu tố có thể làm họ tha hóa, khiến họ sẵn sàng đánh đổi lương tâm bản thân cho quỷ dữ. Và “thầy Lôi”, đã thật sự cao tay, khi xây dựng hình tượng Tiêu Vọng bên cạnh hình tượng Trịnh Lâm, Hải, Triển.
Tiêu Vọng, một con người có tài, có nghĩa khí là thế nhưng trước vấp ngã và sự nghi kị với người cấp trên mà con người ấy vứt bỏ tín ngưỡng nguyên sơ, trở thành tay sai cho cái ác. Để rồi, đến khi muốn quay đầu, nguyện ước cuối cùng được ra đi như một người cảnh sát, con người đó cũng không thực hiện được. Tiêu Vọng là một trường hợp phức tạp, một nhân vật đặc sắc, thể hiện rất rõ cái tài cùng sự thấu hiểu nhân tâm của một tác giả làm công việc đặc thù như Lôi Mễ. Tiêu Vọng tha hóa không đơn thuần chỉ vì tiền tài, cũng không đơn giản chỉ vì lo sợ cái chết; mà tất cả, xuất phát từ sự bào mòn tinh thần một thời gian dài khi phải hoạt động trong lòng địch, khi phải chứng kiến quá nhiều mâu thuẫn, nhất là khi anh ta đã không còn tin tưởng vào đồng đội và chính nghĩa.
Và trường hợp như Tiêu Vọng, cũng có thể đã xảy đến với Trịnh Lâm, Hải, Triển, nếu cô bé Lục Lộ, trong khoảnh khắc đã như đánh động ý thức, khơi dậy lương tâm, nhắc họ nhớ về triết lý tưởng chừng giản đơn mà bấy lâu nay họ như đã quên lãng: “Làm cảnh sát, bắt kẻ xấu.” Phải, triết lý ấy giản dị lắm nhưng với những người luôn phải đối mặt với trọng án, sống hôm nay mà có thể chẳng biết tới ngày mai thế nào, lòng tin, cái thiện như trở thành một thứ xa xỉ trước tiền tài, vật chất, cuộc sống yên bình hưởng vinh hoa phú quý… Qua thời gian, cả thể xác lẫn tinh thần họ đều bị bào mòn, vắt kiệt thì những điều đơn giản, lại thêm một xa vời.
Hiểu như vậy không phải để hợp thức hóa cái sai, cái ác của Tiêu Vọng. Mà hiểu, để nhận ra, những người bảo vệ công lý, đã phải hi sinh, đánh đổi, đã phải chiến đấu nhiều đến thế nào. Chiến đấu trên chiến trường vang tiếng súng với tội phạm, và chiến đấu trong chính chiến trường tâm tưởng không tiếng súng với cái ác vẫn luôn nằm sâu, lẩn quất nơi trái tim, tâm hồn mỗi người để cán cân lương tâm của họ, không lệch về quỷ dữ, để bản thân họ, không lạc lối.
Ngay trong cuộc chiến dằng dai, khắc nghiệt đó, những cô bé như Lục Lộ như chiếc mỏ neo níu giữ tính thiện, lòng chính nghĩa nơi cõi lòng người chiến sĩ. Rồi lần nữa độc giả nhận ra, sự ra đi vì nghĩa của người chiến sĩ là không uổng phí. Họ ngã xuống, chính để ươm mầm hi vọng, ươm mầm tương lai, để chính nghĩa nơi trái tim những cảnh sát như Phương Mộc, vẫn mãi ngời sáng.
Cái ác chảy ngầm dưới lòng sông lạnh/ Đau thương mất mát ngân vọng tiếng tiêu
Sông ngầm, tựa sách thật sự rất gợi, vừa hữu hình mà cũng hết sức vô hình, khó nắm bắt. Hữu hình, bởi đó chính là con sông chảy ngầm nơi ngôi làng, hang động đã giam giữ những đứa trẻ bị bắt cóc, là con sông thiếu chút nữa đã giết chết Phương Mộc. Nhưng đấy cũng là dòng sông mang đầy tính ẩn dụ, tượng hình. Dòng sông ấy là nhân chứng chứng kiến bao tội ác, dòng sông của máu và nước mắt của những người cùng khổ và những người chiến sĩ xả thân vì nghĩa. Một dòng sông chảy ngầm, tựa cái ác chảy ngầm, len lỏi trong lòng xã hội, len lỏi cả trong lực lượng cảnh sát, những con người vốn đề cao chân lý.
Dòng sông ngầm cứ chảy, chảy mãi, như cuộc sống vẫn luôn tồn tại hai mặt sáng – tối, thiện – ác. Cái ác hôm nay có thể bị diệt trừ, nhưng đâu biết rằng, tương lai sẽ ra sao. Có lẽ, sẽ còn thêm hi sinh, sẽ còn thêm mất mát để công lý, mãi mãi được thực thi. 535 trang sách, tựa tiếng tiêu ngân vọng đau thương song vẫn như gieo vào lòng người đọc niềm tin cho mai sau: “Một trận gió thổi tới, những cây thông cây tùng xung quanh im lặng đung đưa, khối trụ thép thầm phát ra những tiếng vang, thật thần kì. […] Không hề giá lạnh như tưởng tượng, ngược lại, nhiệt độ tỏa ra nóng rực. Hãy lắng nghe, họ đang thét gào.”
Nguồn : https://reviewsach.net/song-ngam/
Đọc thêm bài review về những tác phẩm của tác giả Lôi Mễ: