Không gian, với vai trò là phương tiện biểu đạt của văn chương, đã trở thành một yếu tố nghệ thuật để nhà văn gửi gắm tình cảm, bày tỏ tư tưởng. Đặc biệt trong văn học đương đại, không gian nghệ thuật càng có sự chuyển dịch không ngừng theo hơi thở cuộc sống, theo ánh nhìn, trải nghiệm của tác giả. Như cách nhà văn Đỗ Nhật Minh đã xây dựng lên cả vùng không gian nghệ thuật rộng lớn và không ngừng biến động trong tập truyện ngắn mới nhất của ông, tập truyện Đốm Lửa.
Không gian văn hóa sinh hoạt cộng đồng
Là một tác giả đi nhiều, trong suốt hơn 50 năm sáng tạo bền bỉ, nhà văn Đỗ Nhật Minh đã tạo nên những mảng không gian văn hóa, sinh hoạt cộng đồng trải rộng trên trang văn.
Nhưng trong đó, không gian miền núi vẫn có vị trí quan trọng, được ông dành sự quan tâm, yêu mến hết sức đặc biệt. Một không gian như ẩn hiện giữa mây sắc đại ngàn, văn hóa sinh hoạt người dân tộc. Thậm chí, chỉ một câu nói hay âm sắc trong giọng điệu con người nơi đây cũng mở ra nét đặc trưng riêng của cộng đồng bà con miền rẻo cao. Không gian đấy tựa mạch ngầm xuyên suốt văn nghiệp của nhà văn Đỗ Nhật Minh từ những ngày đầu ông sáng tác đến 21 truyện ngắn ở tập truyện Đốm lửa.
Tập truyện Đốm lửa, mở đầu bằng truyện ngắn Vùng cao, đã thật sự mở ra không gian miền núi với: “Cây cối dày đặc chen chúc, dây leo chằng chịt. Tiếng chim hót lảnh lót. Tiếng gió dùng dằng nghe âm âm. […] Con suối mọng nước trong vắt nhìn rõ cả đáy. Dòng nước lúc vượt qua các ghềnh đá, lúc lững lờ xuôi tạo ra những âm thanh khác lạ…”
Và như cánh rừng trải dài nối tiếp muôn trùng, sắc xanh đại ngàn nối liền từ Vùng cao, đến Mộc thần, Kỳ nhân, qua Ánh lửa trong đêm, Vượt núi, đến Đêm vỡ… Ngay cả những câu chuyện không đề cập trực tiếp tới núi rừng, bóng dáng miền rẻo cao vẫn thấp thoáng trong dáng hình, quá khứ những con người đã, đang gắn bó nơi mảnh đất đại ngàn. Mỗi truyện ngắn lại một địa điểm được nhắc tên, Khe Hùm, núi Mã Yên, bản Khói, đèo Khế…, hay có những truyện, địa danh chỉ được tác giả điểm qua bằng một cụm từ đầy phiếm chỉ như “một tỉnh miền núi.”
Tuy nhiên, dù cụ thể hay phiếm chỉ thì đó vẫn là không gian núi rừng của đất nước Việt Nam hiện hữu trong tập truyện Đốm lửa, trong văn chương Đỗ Nhật Minh được ông xây dựng, tạo tác bằng niềm ngưỡng vọng trước “tính thiêng” núi rừng. Nhưng càng khắc họa rừng núi bằng cảm tình thiết tha, trân trọng, tôn thờ bao nhiêu, tác giả lại càng thêm xót xa, đau đớn trước đau thương đại ngàn bấy nhiêu: “Rừng rỗng từ lâu rồi”. Và nỗi xa xót, sự lên án, khát khao bảo vệ linh thiêng rừng thẳm thể hiện qua sự chuyển động không gian rừng núi ở mỗi câu chuyện, chính là một trong những tinh thần nhân văn của nhà văn Đỗ Nhật Minh khi đối diện với đại ngàn.
Từ đại ngàn rộng lớn, không gian dần có sự dịch chuyển, thu hẹp lại vào từng buôn làng, dưới từng nếp nhà, trong nền văn hóa độc đáo của con người vùng rẻo cao. Người ta di chuyển bằng xe ngựa; câu chuyện thường bắt đầu bên chén rượu quây quần, dưới ánh lửa bập bùng tiếng nước chảy, đặc trưng trong căn bếp của người Nùng miền núi Vua, hang Vua, và ngay tiếng gọi “Ấy ơ…” vang vọng tính nhạc.
Không gian văn hóa sinh hoạt còn quyện hòa cùng không gian tâm linh tạo nên một trường không gian đầy hư ảo. Những chuyện kể về Mộc thần linh thiêng “tưởng như người lính gác cổng vào khu rừng”; về Kỳ nhân cứu người xuất hiện ở Suối Khế khi nước lũ lên cao; về Rừng Ma, Vực Ma với hình ảnh “con quỷ đội lốt ông già hiền hậu” ẩn hiện dưới Ánh lửa trong đêm… Hàng loạt hình ảnh mang tính biểu tượng gắn liền với các cổ mẫu: mộc, thủy, hỏa… đã đưa không gian nghệ thuật trở nên như thực như mộng. Tất cả nhằm hoàn thiện không gian vùng núi cao hiện thực song luôn ẩn chứa bao bí ẩn linh thiêng con người chưa thể khám phá, giải đáp hết.
Núi rừng dần lùi xa, không gian trong tập truyện Đốm lửa chuyển dịch tới nơi mang đặc trưng văn hóa vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ. Dù bóng dáng đại ngàn vẫn thấp thoáng ở các câu chuyện Người trở lại, Đôi mắt, Bông hồng đỏ thắm… thì những tác phẩm này vẫn viết về đời sống sinh hoạt con người miền xuôi. Người cựu chiến binh sau chiến tranh, giải ngũ trở lại hòa nhập đời sống; sinh hoạt vợ chồng, cùng những bi kịch gia đình, rộng hơn chính là bi kịch của con người thời hiện đại; không gian phố phường với hoạt động mang dáng dấp của những người trí thức thành thị… Và những tác phẩm đấy, tựa tấm bản lề mở ra sự giao thoa giữa một bên là miền núi, một bên là trung du, đồng bằng trong tập truyện Đốm lửa của tác giả Đỗ Nhật Minh.
Không gian văn hóa, sinh hoạt cộng đồng ở tập truyện Đốm lửa luôn là dạng không gian động, dịch chuyển, chảy trôi không ngừng. Ở đó luôn có sự đan xen giữa các tầng bậc không gian khác nhau. Theo chân chủ thể tự sự, độc giả đi từ miền xuôi tới miền ngược, từ nông thôn đến thành thị; bước vào chiều không gian hư thực trong những câu chuyện nhuốm màu kỳ ảo bên ánh lửa của người dân nơi rẻo cao rồi trở về với những vụn vặt, bi kịch đời thường chứa chan nước mắt bất kể thành thị, nông thôn.
Và qua những miền không gian vừa mang tính đặc trưng, khu biệt; vừa mang tính chung, phổ quát của 21 truyện ngắn trong tập truyện Đốm lửa, nhà văn Đỗ Nhật Minh đã góp phần tạo dựng lên cả vùng không gian văn hóa Bắc Bộ trải rộng đa chiều, đa diện. Cái xấu, cái ác, bi kịch vẫn tồn tại nhưng cảnh vẫn đẹp và lòng người vẫn đối đãi nhau bằng thứ tình chân chất, mộc mạc, thuần khiết.
Không gian thời gian lịch sử
Hơn 50 năm cầm bút, đã sống và viết từ những năm đất nước chìm trong chiến tranh đến thời bình, tới thời kỳ đổi mới, có thể nói, nhà văn Đỗ Nhật Minh chính là một trong những chứng nhân của lịch sử. Và con người ấy, lần nữa đã đưa dòng chảy lịch sử vào sự chuyển dịch không gian giữa hiện tại với miền quá vãng, trong sự đan xen của chiều không gian văn hóa, sinh hoạt cộng đồng.
Như truyện ngắn Người trở lại là hành trình người cựu chiến binh thời chống Mỹ ngược dòng lịch sử, tìm về kỷ vật xưa, một trang báo có “hình ảnh đại đội trưởng hiên ngang đứng giương cao cờ lệnh, phía trước là hai khẩu pháo chếch lên trời”. Hay truyện ngắn Có một cây hoa ở cuối con đường là hình ảnh con người, tìm về dáng hình, đoạn tình cảm của thời ký ức còn lưu giữ trong loài cây mang tên Ước vọng – Hạnh phúc ở làng Nguội anh hùng sau năm tháng bom Mỹ dội. Còn truyện ngắn Cụ Nhẽ lại là hành trình người ta vừa tìm về cảnh, về người; vừa tìm về cảm giác tội lỗi quá khứ và niềm khao khát chuộc lỗi ở thực tại…
Từ không gian gắn với thời gian lịch sử riêng một đời người; dòng chảy mở rộng đến lịch sử một vùng miền. Qua lời kể mang đầy sự hoài vọng, nhà văn dẫn dắt độc giả về vùng ký ức những ngày “chừng sáu chục năm” trước, về bộ hài cốt của người chiến sĩ có lẽ hy sinh từ thời kháng chiến chống Pháp, hay xa hơn nữa, về thời “chả hiểu năm nào đâu”, giặc phương Bắc lại tràn sang mưu đồ thôn tính đất Việt. Hàng loạt cụm từ chỉ thời gian bất định được sử dụng đã tạo sự hô ứng, đồng vọng với mảng không gian sinh hoạt, văn hóa mang nhiều hư ảo ở 21 truyện ngắn trong tập truyện Đốm lửa.
Và rồi, miền không gian quá vãng lại quay về phía cá nhân. Lúc này, con người không nhất thiết phải gắn với một phần lịch sử dân tộc mà người ta là trung tâm quá khứ – hiện tại riêng bản thân họ. “Ông không đáp, duỗi chân ra giường, thở dài thườn thượt”. Người ta sống trong thực tại, hồi tưởng về những gì đã qua và sống lại một thời ký ức, nhìn sâu vào cuộc đời chính mình với tâm thế xét lại bản thân.
Có thể nói, lịch sử trong tập truyện Đốm lửa nói riêng, các sáng tác của nhà văn Đỗ Nhật Minh nói chung, đã trở thành một dạng không gian nghệ thuật để tác giả gửi gắm ánh nhìn mang tính song chiếu giữa hai chiều không gian: hữu hình và vô hình. Tiếng súng đã lùi xa, giờ là thời khắc người ta sống trong thực tại. Nhưng để sống trong thực tại và tiếp tục hướng đến tương lai, con người lại không thể không nhìn lại những gì đã qua bằng ánh nhìn thẳng thắn, trực diện.
Sự chuyển dịch không gian từ thực tại về lịch sử, từ lịch sử trở lại với hiện thực tựa chuyến du lịch của mỗi người trên hành trình tìm lại một phần cái tôi như đã lạc mất trước bao biến động cuộc đời nhiều bất công, ngang trái. Bởi vậy, không gian, thời gian trong tập truyện Đốm lửa, còn là dạng không gian, thời gian nghệ thuật chảy trôi theo dòng ý thức, gắn với quá khứ, lịch sử, hiện tại, tương lai nhưng không đi theo trục tuyến tính mà luôn vận động đan xen, giao thoa, chồng chéo theo tâm thức con người. Vì thế, tính cá nhân, riêng biệt của sự chuyển dịch không gian theo dòng chảy thời gian ở mỗi sáng tác tại tập truyện Đốm lửa được biểu hiện khá rõ nét. Người ta chịu tác động của thời gian song cũng chính là đối tượng làm nên lịch sử. Tất cả, tạo tính phức hợp cho khía cạnh thời gian lịch sử khi đặt cạnh không gian nghệ thuật của tập truyện này.
Không gian tâm thức con người
Từ không gian bên ngoài của văn hóa sinh hoạt cộng đồng cùng dòng chảy lịch sử, nhà văn Đỗ Nhật Minh đã chuyển dịch ngòi bút đến không gian bên trong tâm thức con người. Bởi cuối cùng, chủ thể tự sự tác giả hướng về vẫn luôn là con người, một “tiểu vũ trụ” với không gian tâm thức luôn ẩn chứa những mâu thuẫn, giằng xé, âu lo rất thực và rất người.
Nhà văn Đỗ Nhật Minh đi nhiều, và trong những chuyến đi, ông đã tiếp xúc với muôn mặt kiếp người. Đấy chính là trải nghiệm vô cùng quý báu để ông khắc họa lên từng gương mặt, tái hiện nội tâm phức tạp của mỗi con người lên trang viết.
Khi thì ông đặt điểm nhìn vào một tên sát nhân trốn chạy, đặt chân vào Địa ngục tâm hồn hắn để phát hiện góc khuất “thiên đường” thẳm sâu, cuộc đấu tranh thiện – ác vẫn diễn ra âm thầm trong tâm thức hắn: “Gần ba chục tuổi đầu, gã chưa bao giờ có những ngày thanh thản, tĩnh tâm, những ngày yêu thương, quý trọng […] Gã ngồi lặng đi như thế với bao ý nghĩ tràn ngập mông lung. Lúc này gã thật hiền hậu, thương cảm”.
Lúc ông lại đặt điểm nhìn vào người họa sĩ già chuyên vẽ Đôi mắt, để tự thuật lại cuộc đời nhiều bi kịch của con người tài hoa nhưng lận đận, mang nỗi âu lo cho bản thân, cho cả những người thân từng phản bội ông: “Tôi nhắm mắt để không nhìn các cảnh đau xót này. Vợ chẳng còn. Con chẳng có. Rồi tôi chợt nghĩ, cuộc đời sẽ kết thúc thế sao. Tôi sẽ sống héo hon, lay lắt cho tới lúc nhắm mắt xuôi tay. Còn cô ta? Hòa nhập sẽ hòa tan? Cô ta sung sướng bên trời Tây. Hai con tôi cũng thế…”
Khi ông không ngại ngần đặt điểm nhìn vào một kẻ vào tù ra tội để nhận thấy, Đốm lửa vẫn le lói trong trái tim, tâm hồn gã qua cái dáng “đứng lặng, run run cầm lá thư”, “ngồi thẫn thờ, đầu cúi gằm, hai tay ôm mặt.” Có lúc ông đặt điểm nhìn vào những người phụ nữ luống tuổi của Người đàn bà góa, hay bóng người phụ nữ lặng thầm bên Bếp lửa: “Bếp lạnh lẽo. Kiềng đổ nghiêng. Cạnh bên là siêu nhôm đã méo một góc. […] Bà Thùy khẽ lắc đầu. Im ắng. Từ đâu đó có tiếng mèo kêu ai oán rồi tắt lịm. Những ngôi nhà cao tầng ngạo nghễ xung quanh như chìm trong giấc ngủ. Bà Thùy vẫn ngồi như một tảng đá.” Khi ông lại đặt ánh nhìn vào những người trẻ để khắc họa lên tình yêu chân tình, giản dị “phập phồng, trôi nổi không chỉ trong giấc ngủ đứt đoạn mà cả khi làm” của họ gửi gắm vào Bông hồng đỏ thắm.
Tập truyện ngắn được kể dưới đa dạng ngôi kể, từ đấy, điểm nhìn cũng trở nên đa chiều hơn. Thậm chí, có những sáng tác, tác giả xưng tôi, trực tiếp hòa mình vào mạch truyện nhưng người kể chuyện chính, điểm nhìn tự sự chính lại đặt vào một nhân vật khác như trong truyện ngắn Đêm vỡ hay Giọt nước mắt muộn màng. Những lúc ấy, cái tôi tác giả đã lùi về xa trong không gian tâm thức nhân vật, để họ có thể tự nói lên tiếng nói cá nhân của chính mình và tạo lên hình thức truyện lồng truyện cho tác phẩm.
Và hình ảnh người mẹ, người phụ nữ xuất hiện, trở đi trở lại ở 21 truyện ngắn của tập truyện Đốm lửa, tựa chiếc mỏ neo, níu giữ bản tính “thiện” trong nội tâm mỗi người. Người mẹ, thường khắc khổ, hiện lên bằng tất cả sự dịu dàng, bao dung nhất, kể cả với đứa con đã lầm lạc. Lời mẹ răn dạy nhẹ nhàng mà xé ruột gan, thấm con chữ: “Mẹ đau đớn, tủi nhục hết chồng đến con. Con ơi, chả nhẽ không lúc nào con nhớ mẹ, không lúc nào con nghĩ lại về con? […] Cho tới lúc chết, con vẫn sống lang thang, làm những việc bị người đời khinh rẻ, căm giận? […] Lần này con có nghe mẹ không?” Bóng hình người mẹ, như đã trở thành một trong những biểu tượng, tượng trưng cho Đốm lửa, cháy âm thầm, lặng lẽ, chỉ chờ một cơn gió, để ủ ấm, thức tỉnh, soi chiếu lương tri con người.
Đi sâu vào vùng nội tâm, tái hiện lên trang viết cả những gì là xấu xa, đồi bại, tăm tối nhất trong tâm hồn mỗi người; nhà văn Đỗ Nhật Minh không cốt thể hiện sự khinh ghét, ánh nhìn phủ nhận với mỗi kiếp người trên cõi đời. Mà từ ánh nhìn sâu sắc vào tận sâu khoảng không gian tâm thức, kể cả là kẻ sát nhân ngỡ rằng máu lạnh đến đâu; tới cuối cùng, ông vẫn phát hiện, nơi không gian tăm tối nhất, vẫn ẩn hiện ánh sáng phần “người.”
Từng cá nhân là một cá tính, một suy nghĩ khác nhau. Bởi vậy miền không gian tâm thức của họ cũng không ai giống ai. Nhưng dưới ánh nhìn nhân đạo của tác giả Đỗ Nhật Minh thì dù người ta có đi ngược về xuôi, còn trẻ hay đã về già, là người trí thức hay kẻ “cố cùng liều thân,” ai cũng có hai mặt: sáng – tối, thiện – ác. Và nhà văn, trên hành trình sáng tạo, luôn phải phát hiện “đốm lửa” lương tri, kể cả ở nơi tưởng chừng u tối nhất. Ánh nhìn nhân đạo đó, với nhà văn Đỗ Nhật Minh, có lẽ giống như ánh trăng, làm “bớt đi sự hung hãn, thô bạo của con người, làm dịu đi nỗi mệt nhọc, đau khổ của họ. Làm cho họ thêm chút thanh thản, thêm chút bâng khuâng man mác, càng ước mơ hy vọng những ngày tươi đẹp.”
Tuy nhiên, không thể phủ nhận một điều rằng, tình tiết trong một số truyện ngắn ở tập truyện Đốm lửa chưa được tác giả khai thác và đẩy lên mức cao trào, cách giải quyết mâu thuẫn, tháo gỡ nút thắt ở một vài tác phẩm có phần còn đơn giản. Nhưng tựu trung, Đốm lửa vẫn là một cuốn sách thể hiện rõ phong cách sáng tác, tư tưởng của tác giả Đỗ Nhật Minh trên chặng đường sáng tạo văn chương bền bỉ. Và sự chuyển dịch, đan xen, giao hòa không gian trong 21 truyện ngắn ở tập truyện này, vừa là kinh nghiệm, vốn sống của một nhà văn dọc suốt khoảng chiều dài lịch sử; vừa là ánh nhìn nhân đạo xuất phát từ trái tim luôn khắc khoải trước hiện thực xã hội cùng hai tiếng con người viết hoa.
Nguồn : https://reviewsach.net/dom-lua/