Trong tâm mỗi người, ai cũng có một con rắn, hiện hình, tượng trưng cho bản tính, tình cảm, suy nghĩ nội tâm của cá nhân từng người. Và Súng săn, như góc nhìn ngắm tỉa, nhằm vào từng con rắn ẩn sâu nơi tâm khảm, gặm nhấm trái tim người ấy.
Cô con gái vô tình biết được người mẹ cô trân quý bao năm qua là kẻ dối lừa, ngoại tình. Người dì phát hiện chồng mình ngoại tình với chính chị gái. Và người đàn bà lang chạ với chính chồng của em gái.
Tác phẩm ẩn chứa nhiều điểm nhìn
Là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Yasushi Inoue, Súng săn có một cấu trúc khá đặc biệt. Chưa đầy 100 trang nhưng có tới 5 lời kể cùng tồn tại trong một tác phẩm
Lời của người dẫn truyện, xưng tôi, dẫn nhập độc giả vào tác phẩm.
Lời của người đàn ông tên Misugi Josuke, gửi thư cho “tôi” trước khi 3 bức thư khác được anh ta gửi đến, sau khi vô tình đọc được bài thơ Súng săn tôi viết và đăng trên tạp chí Người bạn của thợ săn.
Lời của cô gái Shoko, gửi thư cho Josuke, sau ngày mẹ cô là Saiko qua đời.
Lời của Midori, vợ Josuke, gửi thư cho anh khi chị gái cô, cũng là mẹ Shoko, mất.
Và cuối cùng, là di thư Saiko được gửi tớ cho Josuke sau đám tang của cô.
Một tác phẩm là sự giao hòa từ nhiều hình thức tự sự. Lời tự thuật, dẫn truyện trong kết cấu tiểu tự sự của nhân vật tôi và lời tự thuật của 4 cá nhân, dưới hình thức thư tín.
Từ đó, Yasushi Inoue đưa tới cho độc giả cuốn tiểu thuyết Súng săn đa giọng kể, đa bội điểm nhìn. Một vấn đề được nhìn dưới nhiều khía cạnh, góc độ. Bởi vậy, hiện thực trong Súng săn cũng trở thành một thứ hiện thực đầy chênh vênh, điều tưởng chừng là sự thật, chân lý, thực chất, lại là dối lừa. Và ở câu chuyện đó, mỗi người lại như khoác lên một chiếc mặt nạ, chiếc mặt nạ đã đeo đẳng họ hơn chục năm trời. Phải tới tận lúc trải lòng trên trang thư, họ mới gỡ bỏ mặt nạ để sống thật với suy nghĩ, tình cảm.
Nhưng tới tận cùng, sau tất cả những chuyện đã xảy ra, đó có phải là sự thật tuyệt đối? Quả tình, rất khó để định danh, kết luận. Bởi từng cá nhân trên trang viết của Yasushi Inoue, nội tâm đều hết sức phức tạp. Họ đã sống quá lâu trong sự giả dối, tội lỗi chất chồng lên tội lỗi. Để rồi, tận đến khi nhắm mắt xuôi tay, những con người ấy tự nhìn lại quãng thời gian đã qua, nghi vấn đặt ra, đã khi nào, họ thật sự sống đúng với cảm xúc chân thực? Hay thân xác họ mất đi, con rắn ẩn sâu, im lìm nơi góc tối trái tim họ, vẫn sống và luôn ngọ ngoạy trong thực tại.
Bức thư của người con gái
Trong ba bức thư Josuke đính kèm, gửi tới cho tôi, thư của người con gái Shoko được tôi ghi lại đầu tiên.
Người con gái trẻ khi ấy, vừa phải chịu nỗi đau mất mẹ, vừa phải chịu nỗi đau bị chính những người thân yêu lừa dối. Những dòng chữ cô bé đọc được từ cuốn nhật ký mẹ cô từng muốn đốt bỏ, như đã “giải thiêng” hoàn toàn hình tượng người mẹ bấy lâu nay Shoko luôn lưu giữ trong tim.
Người mẹ Shoko luôn tôn thờ, người mẹ đã quyết ôm cô bé bỏ đi, kiên quyết làm mẹ đơn thân nuôi nấng cô khi còn nhỏ chứ nhất quyết không chấp nhận sự phản bội từ người chồng. Vậy mà giờ đây, người mẹ ấy lại trở thành kẻ ngoại tình, như chính bố cô ngày trước.
Những trang nhật ký của mẹ Shoko, tựa nọc độc một con rắn, ngấm sâu vào trái tim cô gái nhỏ. Buộc Shoko phải nhìn nhận lại những chuyện đã xảy ra, buộc cô bé phải nhìn nhận lại những người xung quanh, và buộc cô bé, phải nhìn nhận lại các mối quan hệ mà có lẽ trước đây, Shoko vẫn luôn né tránh.
Để rồi cô bé nhận ra, cuộc sống có muôn màu và tình yêu cũng thế. Có thứ tình yêu thuần khiết, đau đớn, khốn khổ trong lớp vỏ bên ngoài đầy tội lỗi. Như mối tình vụng trộm mẹ cô bé đã trải qua. “Tình yêu khốn khổ của chú và mẹ cũng buồn chẳng kém cánh hoa kia!” Song hiểu và đi tới sự tha thứ, thanh thản lại chẳng dễ dàng. Vì thế, Shoko cũng dằn vặt đau khổ với tội lỗi của người mẹ quá cố, như chính mẹ cô bé trước kia. Shoko, có lẽ là tồn tại trong ngần nhất giữa câu chuyện đầy những dối lừa này.
Tuy nhiên, liệu rằng Shoko thật sự trong sáng như vậy? Chẳng phải cô bé đã luôn phảng phất nhận thấy những xao động, đổi thay của người mẹ hay sao. Chỉ rằng, Shoko vẫn né tránh, hay cô bé, vẫn làm ngơ, che giấu tội lỗi của mẹ, khiến cho mẹ cô, ngày một lún sâu vào lầm lỗi không lối thoát. Vì vậy, khổ đau, hối hận của Shoko hiện tại, hẳn còn xuất phát từ chính mâu thuẫn khi cô bé nhìn lại quá khứ, đối diện hiện thực và phải nghĩ về tương lai sau này.
Bức thư của người vợ
Sau bức thư của Shoko, là lá thư của người vợ Josuke, tên Midori.
Xét theo hoàn cảnh, Midori là “nạn nhân”, “người bị hại” giống như Shoko, khi Midori bị chính người chị gái và chồng dối lừa suốt bao năm.
Tuy nhiên, giống như nhận định của Josuke về vợ mình, trong tim Midori có một con rắn. “Con rắn của Midori là một con rắn nhỏ màu nâu đỏ, sinh trưởng ở vùng đất phương Nam nào đó.” Và trong những câu từ Midori gửi cho Josuke, bóng hình con rắn ấy đã hiện lên cực kì rõ ràng. “Con rắn nhỏ màu nâu đỏ”, càng nhỏ, càng sặc sỡ lại càng mang nhiều độc tố; “sinh trưởng ở vùng đất phương Nam” ấm áp, đầy nắng, gió, lẫn theo một sự cuồng nhiệt của xứ nhiệt đới.
Midori là “nạn nhân” từ chuyện tình vụng trộm giữa hai người, với cô là thân yêu nhất. Midori sớm nhận ra điều đấy. Nhưng cô đã giữ sự thật trong lòng cả chục năm, diễn tròn vai một người vợ hoang đàng và để cho sự dày vò, tội lỗi ăn mòn chị gái cô. Midori vừa là nạn nhân, vừa là hung phạm cho sự suy kiệt của Saiko từ ngày này sang ngày khác. Và bản thân cô, cũng không khỏi bị gặm nhấm từ chính sự thật cô che giấu này.
Midori trẻ trung, vui tươi với những ham muốn hết sức đàn bà. Và Midori cũng trầm uất vô ngần giữa khổ đau tội lỗi cùng sự cô đơn tột cùng: “chúng ta nhận ra mình đang sống ở đây, trong cái thế giới băng giá tráng lệ này, trong một gia đình lạnh giá đến độ người ta có thể cảm nhận được băng đá đóng trên lông mi.”
Bởi vậy, bức thư Midori gửi cho chồng, đâu đơn thuần chỉ là những dòng chữ của một người vợ “tham lam.” Mà đó còn là lời tự thú từ một người vợ, một người em trước đủ biến cố đã xảy ra. Đồng thời, cũng là sự trải lòng của một người phụ nữ, hơn chục năm trời, vẫn luôn sống trong nỗi đơn côi quẩn quanh, khao khát tột độ hạnh phúc và hơi ấm, nhưng thứ nhận được, chỉ là giá lạnh, cô độc.
Bức thư của người đàn bà
Ba bức thư của ba người phụ nữ, lá thư hay nói cách khác, là di thư của người mẹ, người đàn bà Saiko được đặt xuống cuối cùng. Như đặt dấu chấm hết cho chuỗi bi kịch kéo dài chục năm trời vẫn ám ảnh những con người này.
Cũng như Midori, dưới ánh nhìn và sự phân tích của Josuke, trong tim Saiko cũng có một con rắn: “con rắn của em là ở Úc và mặc dù nó cũng nhỏ nhưng toàn thân nó phủ những đốm trắng, đầu nhọn hoắt, sắc như mũi khoan.” Và hình ảnh “con rắn trắng nhỏ con rắn trắng nhỏ…” vẫn luôn đeo bám, trở đi trở lại trong giấc mơ, tiềm thức Saiko. Tựa TỘI LỖI, TỘI LỖI, TỘI LỖI… cô đã viết kín lên những trang nhật ký.
Điều Saiko làm là sai trái, cả xưa kia lẫn hiện tại, đều đi ngược lại với mọi quy chuẩn đạo đức, luân thường. Saiko hiểu, nhưng cô vẫn để mình buông thả theo dòng cảm xúc. Đồng thời, khiến độc giả không khỏi đặt ra nghi vấn, Saiko thực sự yêu Josuke hay đó chỉ như một sự trả thù đời của một người đàn bà sau tất cả đau thương, gian khó cô ta phải gánh chịu. Hay đó là cách, người đàn bà đấy dùng để đè nén yêu thương quá khứ chăng?
Nhưng dẫu thế nào, điều Saiko làm vẫn là tội lỗi. Người phụ nữ rất mực đàn bà ấy, liệu chăng có biết tội lỗi của cô đã bị phơi bày ra trước mặt những người xung quanh từ rất lâu? Có thể có, có thể không. Chỉ biết rằng, ngần ấy năm, Saiko đã tự giằng xé bản thân không ngừng trong bể tội lỗi giữa lừa dối và bị lừa dối.
Người phụ nữ từng mạnh mẽ, mà hiện tại yếu đuối, đa sầu đa cảm khôn cùng. Thời gian qua đi, nanh độc con rắn nhỏ màu trắng đã găm sâu vào trái tim cô. Đau đớn, hối hận, Saiko tự hủy hoại chính mình, như một điều tất yếu mà cô tự ý thức được bản thân phải trả giá.
Tuy nhiên, với một người đã khuất như Saiko, cái chết là sự giải thoát sau TỘI LỖI ngập tràn. Nhưng còn người ở lại, đang thay cô gánh chịu lỗi lầm? Saiko mất đi, song con rắn trắng nhỏ trong trái tim cô, vẫn tồn tại, và tiếp tục găm sâu, gặm nhấm tâm can người còn sống. Một bi kịch mang tính di truyền, một nỗi đau mang tính truyền đời không dứt.
Bức thư của người đàn ông
Ba lá thư của ba người phụ nữ, đều hướng tới người đàn ông tên Misugi Josuke.
Để rồi tới anh, anh lại gửi thư cho “tôi”, sau tất cả bi kịch đã xảy đến. Nhưng khác với ba lá thư kia, thư từ Josuke không được ghi chép lại nguyên vẹn mà chỉ là những trích đoạn hiện lên qua lời dẫn nhập của tôi trước khi đi trực tiếp vào ba lá thư của Shoko, Midori, Saiko gửi kèm.
Misugi Josuke, địa chỉ đến và cũng là địa chỉ đi. Người đàn ông bí ẩn đó bóng hình chỉ thấp thoáng trong con chữ của người khác. Từ đấy, hình ảnh con người ấy lại càng trở nên nhòe mờ, nhòe mờ như chính hình bóng anh, khoác trên vai khẩu súng săn, đi lần vào trong núi.
Josuke tự nhận bản thân chính là nguyên mẫu cho hình tượng người đàn ông xuất hiện trong bài thơ Súng săn của tôi. Nhưng chính tôi, sau đó lại phủ nhận điều ấy. Song, dẫu sự thật là như thế nào thì hành động của Josuke, đã thôi thúc “tôi”, mở ra cả không gian đặc biệt của tiểu thuyết Súng săn.
Josuke, dáng người mơ hồ, như thực như mơ mà lại như thấu tỏ tất cả. Chính con người ấy đã nhìn thấu con rắn trong tâm hai người phụ nữ bên cạnh. Người đàn ông can dự vào mọi bi kịch song lại như luôn đứng ngoài bi kịch, dõi khẩu súng săn vào đầu những con rắn hận thù, ích kỉ, tội lỗi, đớn đau…
“Khẩu súng săn bóng loáng lưu lại dấu ấn trọng lượng càng lúc càng rĩu nặng của nó lên người đàn ông trung tuổi, lên linh hồn cô độc cả anh ta, lên thân xác anh ta, đồng thời tỏa rạng một thứ vẻ đẹp khát máu kỳ dị mà ta sẽ không bao giờ nhìn thấy khi hai ống ngắm của nó nhắm thẳng vào một sih vật sống.”
Josuke ẩn mình trong bóng tối, Josuke chỉ hiện lên qua con chữ của người khác. Thật khó để biết được, cá tính con người ấy như thế nào. Nhưng cũng bởi vậy, hình tượng con người này lại càng trở nên thâm trầm, là thợ săn hay chính bản thân anh ta cũng là một con rắn chứa đầy kịch độc trong trái tim cô đơn? Người đàn ông can dự vào mọi mối quan hệ, nhưng danh tính lại bị xóa mờ giữa cuộc đời.
Và, những lá thư của ba người phụ nữ anh ta gửi đến cho tôi, vốn là ba lời tâm sự riêng biệt, hay thực chất chỉ là những mảng phân thân tâm tưởng của Josuke khi nhìn sâu vào từng con rắn tồn tại nơi góc tối tâm hồn? Thật khó để cắt nghĩa rõ ràng. Chỉ biết rằng, giữa tất cả, Josuke như đôi mắt nhìn sâu thăm thẳm vào từng tội lỗi để cảm nhận sâu sắc thêm, nỗi cô đơn của lòng người, dẫu có ở cạnh nhau, vẫn thật xa cách.
Súng săn!
Súng săn, tên tiểu thuyết, cũng là bài thơ của tôi đã đánh động tới Josuke, để từ đó, tiểu thuyết Súng săn ra đời.
Súng săn là danh từ, nhưng trong tác phẩm, đó như còn là động từ, cho việc nhìn sâu, bóc trần bi kịch, bản chất trong thăm thẳm nội tâm mỗi cá nhân.
Súng săn, cùng với “con rắn”, trở thành cặp hình ảnh ẩn dụ mang đầy tính biểu tượng đến mức ám ảnh. Cho góc khuất trái tim, tội lỗi con người và chân lý phán quyết.
Súng săn, tác phẩm chưa đầy 100 trang nhưng ẩn sâu tầng tầng lớp nghĩa. Là sự “hòa quyện một cách vừa tinh tế vừa dữ dội những cảm xúc con người”, cũng là nỗi hoài nghi mang theo ánh nhìn hiện sinh của Yasushi Inoue về căn tính cá nhân. Câu chuyện cô đọng mà đa sắc, đa thanh, đa bội điểm nhìn tựa mỗi sự việc, hiện tượng trong cuộc sống, luôn tồn lại muôn vàn khía cạnh tiếp cận khác nhau. Nhưng nòng của súng săn, liệu có thể dõi theo ngần đó điểm nhìn?
Nguồn : https://reviewsach.net/sung-san/