Hấp dẫn, lôi cuốn và đầy tính nhân văn chính là những từ ngữ để nói về “Thiên thần và ác quỷ” – quyển tiểu thuyết thứ ba của nhà văn Dan Brown. Hơn cả một tác phẩm trinh thám đơn thuần, cuốn tiểu thuyết đã xuất sắc lồng ghép và đưa ra thông điệp sâu sắc về sự hòa hợp của tôn giáo và khoa học – hai vấn đề mà từ trước đến nay vẫn luôn được xem là đối lập nhau và không thể đi chung đường.
Xuất bản năm 2000 và nhanh chóng lọt top sách bán chạy nhất của New York Times, “Thiên thần và ác quỷ” là một trong những tác phẩm giả tưởng gây tiếng vang đã góp phần đưa tên tuổi Dan Brown ra thế giới.
Không theo motif những vụ án mạng thường nhật với động cơ xoay quanh tình hay tiền, cuốn sách khai thác một đề tài khác mới lạ và độc đáo – mâu thuẫn giữa tôn giáo, đại diện là Giáo hội, và khoa học, đại diện là hội kín Illuminati. Dù là người ngoan đạo hay người theo chủ nghĩa vô thần và tin tưởng khoa học tuyệt đối, sau khi đọc xong tác phẩm này, độc giả sẽ phần nào có sự thấu hiểu và cái nhìn thiện cảm hơn với phía đối lập, từ đó hướng đến cuộc sống cân bằng hơn về mặt trí tuệ lẫn tinh thần.
Không chỉ tập trung mô tả vụ án và công cuộc phá án, “Thiên thần và ác quỷ” còn cung cấp cho người đọc hiểu biết cơ bản về nhiều lĩnh vực, từ biểu tượng học, lịch sử tôn giáo, nghệ thuật Phục hung đến vật lý lượng tử. Dù “ôm đồm” khá nhiều thứ nặng ký: một cốt truyện trinh thám giả tưởng, một vụ án tầm cỡ vĩ mô, một dàn nhân vật với tiểu sử hùng hậu, một thông điệp sâu sắc, mới mẻ, và bây giờ là cả kho tàng kiến thức về những lĩnh vực nghe qua khá hàn lâm, Dan Brown vẫn hoàn thành xuất sắc từng nhiệm vụ, không vì tập trung khai thác khía cạnh này mà bỏ quên những khía cạnh khác.
Như cách mở đầu cổ điển của các tác phẩm trinh thám, quyển tiểu thuyết cũng bắt đầu bằng một vụ án mạng. Leonardo Vetra, nhà vật lý lỗi lạc của Hiệp hội Năng lượng nguyên tử châu Âu (CERN), người đầu tiên thành công trong việc tái tạo phản vật chất, bất ngờ được phát hiện đã chết trong phòng thí nghiệm của chính mình.
Một vụ án dã man. Lọ phản vật chất đã biến mất. Nhưng đây không chỉ đơn thuần là giết người cướp của. Nạn nhân bị móc một mắt và, khó hiểu hơn là, bị đóng dấu sắt nung lên ngực. Con dấu mang biểu tượng đối xứng huyền thoại của Illuminati – một hội kín tôn thờ khoa học trong quá khứ đã từng bị Giáo hội đàn áp dữ dội và ngỡ như đã tuyệt diệt nhiều thế kỷ.
Cùng lúc đó, ở tòa thánh Vatican, Giáo hoàng đột ngột băng hà, và cả bốn trụ cột – bốn vị Hồng y có khả năng cao nhất sẽ trở thành Giáo hoàng tương lai đều mất tích một cách bí ẩn.
Không còn nghi ngờ gì nữa, kẻ thủ ác giấu mặt trong cả hai vụ án là một. Hắn tự nhận mình là truyền nhân còn sót lại của Illuminati và tuyên bố sẽ trả thù cho khoa học, bằng cách khiến Giáo hội phải lụn bại. Từ 8 giờ tối trở đi, cứ mỗi giờ đồng hồ trôi qua, một vị Hồng y sẽ bị giết, và đến 12 giờ đêm, quả bom phản vật chất sẽ phát nổ, đặt dấu chấm hết cho cả thánh địa.
Trong tình thế cấp bách ấy, Robert Langdon – giáo sư biểu tượng học nổi tiếng của đại học Harvard – được triệu tập tới Rome, cùng với Vittoria Vetra – con gái nuôi của Leonardo – giải mã những dấu hiệu kẻ ám sát để lại để tìm ra lời giải cho hiểm họa đang treo lơ lửng trên cả thành phố. Liệu Illuminati có thực sự là kẻ đứng sau mọi việc? Khi tấm màn cuối cùng được kéo xuống, một âm mưu kinh hoàng bắt đầu hé lộ.
Kịch tính đến phút cuối cùng
Vũ trụ văn học của Dan Brown luôn có những cú plot twist (tình tiết bất ngờ) được đo ni đóng giày để xuất hiện trong thời điểm thích hợp nhất và chưa bao giờ khiến độc giả thất vọng. Với nghệ thuật dẫn chuyện xuất sắc, dù biết rằng nhất định sẽ có nút thắt ở đâu đó và phải luôn tỉnh táo để nhận biết, người xem vẫn bị lôi cuốn theo mạch truyện, cùng các nhân vật trải qua cuộc chạy đua nghẹt thở với thời gian; hồi hộp dõi theo những dấu hiệu mới của vụ án, cố gắng giải mã chúng mà quên bẵng đi còn có một plot twist vẫn đang chờ đợi.
Và rồi khi người đọc nghĩ rằng mình đã dần nắm được những tình tiết quan trọng, thở phào vì câu chuyện cũng đến hồi kết, và chuẩn bị nghe những lời giải thích của kẻ phản diện về động cơ và quá trình gây án của hắn, thì “boom”, mọi thứ đảo lộn hoàn toàn. Dan Brown khiến độc giả tin rằng những nghi ngờ của mình là có cơ sở, và mình đã hoàn toàn hiểu sự việc như nó vốn có, cho đến khi họ đọc những chương cuối cùng và xâu chuỗi lại các sự kiện dưới một góc nhìn khác.
Như một bức tranh không gian ba chiều, một kịch bản ẩn giấu lập tức hiện ra.
Ai là thiên thần? Và ai mới thực sự là ác quỷ?
Nhân vật chính không phải là Đấng Toàn năng
Nghệ thuật xây dựng nhân vật là một điểm nhấn đáng chú ý trong các tác phẩm của Dan Brown nói chung, và trong “Thiên thần và ác quỷ” nói riêng.
Robert Langdon – giáo sư biểu tượng học của đại học Harvard – là nhân vật chính xuyên suốt với nhiều ưu điểm nổi bật: ngoại hình sáng sủa, chuyên môn xuất sắc, từng là vận động viên bơi lội ở trường trung học, hiền lành, khiêm nhường và chính trực.
Nhưng Langdon không hề thông minh và tài giỏi hơn tất cả những người khác, cũng không phải là đấng anh hùng đơn thương độc mã tháo gỡ toàn bộ các nút thắt trong truyện. Các nhân vật phụ hay thứ chính cũng không phải những người mờ nhạt, kỹ năng kém cỏi, thụ động trông chờ vào sự cứu rỗi của nhân vật chính, được thêm vào để tăng số lượng nghi phạm hay làm hoang mang độc giả.
Mỗi nhân vật, dù đóng vai trò gì trong tác phẩm, đều được tác giả mô tả tỉ mỉ với ngoại hình, cá tính riêng biệt. Họ đều là chuyên gia trong lĩnh vực của mình, và đều xuất chúng chứ không nhạt nhòa như một nhân tố làm nền cho sự phô diễn tài năng của nhân vật chính.
Gấp lại quyển sách, người đọc hẳn sẽ còn lưu giữ những ký ức sống động về Kohler, về Olivetti, Ventresca, Mortarti, về Leonardo Vetra, về cố Giáo hoàng, và đặc biệt là về một Vittoria đại diện cho nữ quyền – mạnh mẽ, táo bạo, một người đồng hành thực sự của Langdon, dù không có chuyên môn về biểu tượng học nhưng vẫn tham gia vào công cuộc tìm ra sự thật một cách chủ động và tích cực. Những nhân vật này, dù ít hay nhiều đất diễn, vẫn sẽ để lại một ấn tượng khó quên trong lòng độc giả.
Không chỉ thành công trong việc xây dựng dàn nhân vật phụ/thứ chính đa dạng và có ảnh hưởng sâu sắc đến diễn biến truyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật chính cũng là một điểm nhấn sáng giá khác của Dan Brown.
Robert Langdon không phải là kẻ ăn may mà thoát chết hết lần này đến lần khác.
Lúc ông gặp nạn ở thư viện, ở Nhà thờ Lửa và cả ở Đài phun nước, không có ai giúp đỡ ông, cũng không có kỳ tích nào thuộc về ngoại cảnh bất ngờ xảy ra để ông may mắn thoát thân.
Langdon chỉ có thể tự xoay xở để sinh tồn bằng chính trí tuệ của mình.
Và sự hiện diện của những đồ vật mà ông dùng để cứu mình khỏi chết trong những tình huống ấy cũng vô cùng hợp lý. Không có bất kỳ vật dụng thừa thãi nào đáng ra không xuất hiện, nhưng lại vô tình được sắp xếp có mặt trong thời điểm đó một cách gượng gạo, để nhân vật có thể bám vào và giải quyết vấn đề một cách chóng vánh. Bằng những tình huống phù hợp để vị giáo sư bộc lộ tài năng, Dan Brown đã thành công thuyết phục người đọc rằng nhân vật này thực sự rất đáng được tuyên dương cho những nỗ lực và sự sáng tạo tuyệt vời, chứ không chỉ là gặp may mắn đơn thuần.
Nhưng Robert Langdon, bất chấp sự thông minh đã bàn đến ở trên, xét cho cùng cũng chỉ là một người bình thường.
Ông vốn là người của giới học thuật, chưa từng cầm vũ khí, cũng không có bất kỳ kỹ năng chiến đấu nào. Đối mặt với kẻ ám sát dày dạn kinh nghiệm, ông đã phạm phải sai lầm do chính sự thiếu thận trọng của mình. Sai lầm đó không những vô tình khiến cho vụ án nghiêm trọng hơn, mà còn đẩy bản thân Langdon vào tình thế hiểm nghèo.
Hình tượng Robert Langdon được tác giả xây dựng vô cùng hợp lý và không hề bị thổi phồng thành một người có tiềm năng làm được mọi thứ: ông được mắc sai lầm, được thiếu hiểu biết, được sợ hãi, thay vì luôn làm chủ mọi tình huống. Chính những nhược điểm như vậy, được mô tả trong trường hợp riêng biệt để nổi bật lên và không bị lu mờ sau hào quang của những phẩm chất tốt đẹp, đã khiến cho nhân vật trở nên rất thực tế và gần gũi với độc giả.
Sự hòa hợp của tôn giáo và khoa học: thông điệp độc đáo và đầy tính nhân văn
Mâu thuẫn giữa tôn giáo và khoa học là vấn đề được nhắc đến xuyên suốt câu chuyện.
Nếu đặt hai phạm trù này lên bàn cân, mỗi người, tùy vào niềm tin cá nhân và hoàn cảnh sống, sẽ ít nhiều đều nghiêng cán cân lệch về một hướng. Và các nhân vật trong “Thiên thần và ác quỷ” cũng có những thiên kiến tương tự.
Nhưng Dan Brown không phán xét ai cả. Mỗi nhân vật, dù là thiên về phía nào, đều có lý lẽ riêng.
Tôn giáo cho con người một đức tin để hướng đến điều thiện, tránh xa cái ác. Khi biết kính sợ một Đấng Toàn năng, người ta sẽ có xu hướng không cho mình cái quyền tự tung tự tác làm càn, vì quả báo sẽ đến dù sớm hay muộn và họ phải chịu sự trừng phạt thích đáng.
Nhưng sùng đạo một cách cực đoan, đến mức xem khoa học là báng bổ thần thánh, trông chờ một vị thần vô hình cứu rỗi khỏi bệnh tật, dẫn đến thiệt hại về mạng người, chính là một tai họa.
Khoa học cho con người hầu hết những tiện nghi hiện đại. Các loại máy móc, thiết bị công nghệ giải phóng loài người khỏi những công việc vất vả. Sự ra đời của thuốc men, vaccine tiêm ngừa và các trang thiết bị y học đã góp phần cứu chữa vô số nhân mạng.
Nhưng khoa học, cũng như một vị Thần Đèn, quyền năng mà không thể tự định đoạt. Nếu đặt vào nhầm người, khoa học có thể trở thành hơi độc, thành bom nguyên tử – những vũ khí hủy diệt đã gây ra không biết bao nhiêu nạn diệt chủng, thậm chí có thể đưa con người trở về thời kỳ Đồ Đá.
Tác giả để người đại diện của mỗi bên kể câu chuyện của mình. Trong những câu chuyện ấy, độc giả chắc hẳn sẽ thấy mình ở đâu đó. Nhưng hơn cả việc tìm thấy bản thân, người đọc còn được nghe quan điểm từ phía đối diện – những người sinh ra trong môi trường khác, đối mặt với những khó khăn khác trong đời và do vây, hình thành nên tư tưởng hoàn toàn khác biệt. Độc giả có cơ hội nhìn thấy mặt trái trong những điều mình tin tưởng, từ đó có thể cân bằng lại niềm tin của mình để nỗ lực hòa hợp và thấu hiểu nhiều hơn.
Tuy nhiên, dù cho có một vết thương sâu sắc trong đời và không thể cảm thông cho phía đối diện như một số nhân vật trong truyện, con người vẫn có thể quyết định cách hành xử của mình để không làm tổn thương bất kỳ ai. Cùng là chán nản, ghét bỏ và không thể thấu hiểu, nhưng có người chỉ giữ nó trong lòng và tập trung sức lực cho những gì mình tin tưởng, có người lại vì vậy mà hại chết bao nhiêu người vô tội.
Thế nhưng, suy cho cùng, không phải khoa học hay tôn giáo có khả năng gây ra đại họa và phải bị bài trừ, mà chính là thái độ của con người chúng ta đối với những vấn đề ấy. Nếu có những người yếu đuối, mù quáng đến mức tin rằng chỉ cầu xin thần thánh là có thể giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống; có những người lợi dụng sự hiện đại của khoa học để chế tạo vũ khí sát thương hàng loạt; thì chính con người, chứ không phải bất kỳ cái gì khác, mới là kẻ lầm lạc, và đáng bị lên án.
Tôn giáo và khoa học, liệu có chắc là không thể cùng chung chiến tuyến không? Đó là một vấn đề khác nữa đáng được suy ngẫm thông qua quyển sách. Bỏ qua tất cả những khác biệt bên ngoài, khoa học chính là trí tuệ, và tôn giáo chính là tình thương của con người. Sẽ không hay hơn sao nếu mọi người có thể cân bằng cả hai niềm tin này? Bởi vì họ có thể dùng kiến thức của mình để tạo ra những phát minh khoa học tuyệt vời, và dùng đức tin của mình như một nền tảng đạo đức cho cả việc chế tạo và sử dụng những phát minh ấy. Thế giới sẽ ngày một hiện đại hơn, nhưng song song đó, những giá trị đạo đức cũng sẽ trở thành những giá trị vĩnh cửu.
Khoa học vẫn đang trên đà phát triển. Càng gần đến những tầm cao mới, con người nhận ra rằng hiểu biết của mình ngày càng ít đi. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra lý do vì sao vũ trụ lại được tinh chỉnh với sự cân bằng hoàn hảo để vật chất có thể hình thành, và loài người có thể tồn tại.
Biết đâu, trong công cuộc tìm kiếm lời giải đáp cho bí ẩn này, bằng cách nào đó, khoa học và tôn giáo lại gặp nhau trên một con đường?
Như những lời nhà vật lý quá cố Galileo Galilei đã từng nói: Khoa học và tôn giáo không phải là kẻ thù, mà chính là đồng minh dùng hai ngôn ngữ khác nhau để kể cùng một câu chuyện.
Nguồn : https://reviewsach.net/thien-than-va-ac-quy/
Đọc thêm bài review khác về quyển sách Thiên Thần và Ác Quỷ: