THÚ TỘI – tiểu thuyết đầu tay của nữ tác giả người Nhật bước vào văn đàn khá muộn ở tuổi 30, Minato Kanae. Thú tội xoay quanh bối cảnh lớp học. Nhân vật chính là cô giáo cấp 2 Moriguchi (bà mẹ đơn thân) thông báo trước lớp về cái chết đứa con gái 4 tuổi của mình. Xác con gái cô Moriguchi được tìm thấy ở bể bơi, phía cảnh sát xác nhận đây là tai nạn; cô Moruchi không nghĩ thế. Cô biết đây là vụ giết người có chủ ý. Hung thủ vụ án không ai khác chính là 2 học sinh trong lớp mà cô đang chủ nhiệm.
Những đứa trẻ có tâm hồn của quỷ dữ
Khác hoàn toàn với những tác phẩm trinh thám khác, Thú tội không tập trung vào việc tìm ra hung thủ đứng sau những bí ẩn, tác phẩm chĩa mũi nhọn vào hung thủ ngay từ đầu. Cái khiến người đọc phải rùng mình thậm chí kinh hãi mà không cần đến bất cứ hiệu ứng kinh dị nào, đó chính là việc lựa chọn hung thủ là những đứa trẻ vị thành niên nhưng động cơ và thủ đoạn thì vô cùng tàn độc.
Tác giả lựa chọn tới hai hung thủ cho vụ án được xây dựng trong tác phẩm, là đồng phạm song lại hoàn toàn đối nghịch nhau về cả tính cách lẫn trí thông minh. Thứ duy nhất chúng có nét tương đồng là những trái tim lạnh giá với một cái đầu đang đi nhầm hướng.
Đó là Wanatabe – Thiên tài lạc lối, học sinh A, kẻ đã lên kế hoạch giết đứa bé con gái của cô giáo. Kẻ đã chế tạo quả bom để tự sát cùng với học sinh toàn trường. Kẻ đã giết chết chính bạn gái của mình và nhét xác vào tủ lạnh. Chừng đó câu từ vắn tắt đủ để mô tả về câu học sinh lớp 8 có trí tuệ thiên tài nhưng tâm lý điên loạn. Không chỉ khiến người ta ớn lạnh bởi cái cách Wanatabe tạo dựng kế hoạch giết người, mà còn bởi sự cạn kiệt ngay trong chính trái tim, cậu sẵn sàng làm tổn thương người khác chỉ để lôi kéo sự chú ý của mẹ mình, hoàn toàn điên loạn và lệch hướng.
Nao – học sinh B, hung thủ thứ 2 trong vụ án, một kẻ bình thường không nổi trội trái ngược hoàn toàn với Wanatabe, cô đơn và luôn tự ti. Vô tình vấp phải cái bẫy mà Wanatabe lập sẵn, nhúng tay vào kế hoạch giết người vô nhân tính. Cậu ta không thua kém bạn mình về khoản tàn độc, khát khao chứng minh sai lầm của
người khác cũng xuất phát bởi sự tự ti vào bản thân mình. Song ở Nao không có sự mạnh mẽ cần thiết, và vì vậy cậu dễ dàng gục ngã trước những cám dỗ, và trước chính lương tâm của mình.
Cả hai đứa trẻ đều tồn tại hai mặt sáng tối, vừa đáng thương vừa đáng trách, song không thể phủ nhận tâm lý chúng hoàn toàn bất ổn lại không có sự định hướng dẫn đến nhận thức lai lầm.
Sự trả thù máu lạnh – cuộc chiến tâm lý giữa nạn nhân và những kẻ thủ ác
Sau khi tìm ra thủ phạm, Moriguchi hiện nguyên hình với sự trả thù lạnh lùng và đáng sợ. Đó không phải là sự trả thù máu me, bạo lực mà lại là sự trả thù về tâm lý, thậm chí không ngần ngại liên đới đến cả những người khác có liên quan. Mẹ của đứa trẻ bị giết đã không lựa chọn cách trả thù máu me, không tin vào pháp luật và cũng không muốn giết bọn chúng. Một sự trả thù tàn độc hơn cả cái chết. Bằng cách cho máu nhiễm HIV vào sữa uống của hai đứa trẻ, người cô này biến những hung thủ giết con mình, đang tự ảo tưởng về trí thông minh của mình trở thành những con rối.
Moriguchi dường như đọc được trong đầu những đứa trẻ này đang nghĩ gì, chỉ một hành động đó thôi cũng đủ để chúng tự giết chính bản thân mình. Dưới sự dẫn dắt của Moriguchi, Nao đã gần như phát điên, không cần lộ mặt nhưng cô đã thành công hủy hoại cuộc đời của Nao một cách trọn vẹn. Cô biết rõ tâm lý yếu đuối của Nao và chỉ cần một vài tác động nhỏ là đủ để Nao sụp đổ. Sự trả thù của cô đối với học sinh A còn ghê sợ hơn, mọi thứ đều nằm trong sự tính toán của cô. Một thiên tài gặp một thiên tài khác, và cuộc chiến tâm lý giữa họ khiến bất cứ ai cũng phải ngợp thở.
Moriguchi, một nạn nhân đáng thương. Không thể đòi hỏi sự tha thứ đến từ Moriguchi, song không vì thế mà bỏ qua cách trả thù quá tàn ác của cô, tâm hồn của cô dường như cũng bị hóa đá. Nhân vật này dường như được khắc họa không có chút hơi ấm, hoàn toàn lạnh lùng và tâm lý cũng chuyển biến theo hướng tiêu cực
Sự định hướng sai lầm tạo thành bi kịch
Không có ai hoàn toàn chỉ đáng thương, cũng chẳng có ai hoàn toàn chỉ đáng trách. Tấn bi kịch này là một mớ bòng bong hỗn độn, là một hậu quả tất yếu đầy đau thương của những sự lệch lạc, thiếu trách nhiệm trong giáo dục của gia đình và xã hội. Hung thủ là những đứa trẻ đều bị tổn thương về mặt tinh thần, lại không có sự hướng dẫn cụ thể, không ai dạy chúng cách đi đúng hướng dẫn đến bi kịch không thể tránh khỏi. Tất cả sự kiện được tái hiện lại trong tâm lý của nhân vật, thể hiện rõ sự xung đột đỉnh điểm trong các nhân vật, sự điên loạn và bất ổn của tuổi trẻ khao khát được chú ý.
Đại diện được nhà văn lựa chọn để khắc họa sự định hướng sai lầm này chính là nhân vật mẹ của Nao và truyền thông Nhật Bản. Xã hội Nhật Bản đã không có cái nhìn kĩ càng khi liên tục dồn sự chú ý vào những vụ án giết người chấn động do trẻ vị thành niên gây ra. Những tình tiết man rợn không khiến những đứa trẻ lo sợ mà lại thích thú, chúng vô tình nghĩ rằng đó là cách lôi kéo được sự chú ý, đồng thời khơi gợi mong muốn được nếm trải cảm giác mới lạ của việc giết một ai đó. Trong khi mẹ của Nao lại điển hình cho kiểu người bao bọc con quá mực nhưng lại không có sự giao tiếp với con, không định hướng ngược lại che giấu mọi tội lỗi của con mình, không hiểu con mình muốn gì, hậu quả là Nao đã giết chính mẹ của mình.
Tác phẩm lên án gay gắt cách giáo dục sai lầm, những đứa trẻ quá dễ bị ảnh hưởng lại không được chú ý về giáo dục đạo đức.
Cả một tác phẩm là không khí ớn lạnh, khiến người đọc cảm thấy kinh sợ, bởi chính hung thủ và cả nạn nhân. Một cuốn sách trinh thám song lại tập trung vào tâm lý nhân vật, một cuốn sách có khả năng thức tỉnh những bậc phụ huynh và là nỗ lực của chính nhà văn để ngăn chặn những vụ án đau lòng như vậy không xảy ra ở tương lai.
Keyword tìm kiếm liên quan: Tiểu thuyết trinh thám Thú tội của tác giả người Nhật Minato Kanae, review sách Thú Tội, Thú Tội Minato Kanae, Tiểu thuyết đầu tay của tác giả người Nhật Minato Kanae, Thú Tội – Minato Kanae,…
Thảo Nguyên
Nguồn : https://sachhay24h.com/thu-toi-cuoc-chien-tam-ly-giua-nhung-tam-hon-quy-du-a674.html