Được đánh giá là một trong những cuốn sách cấp tiến thẳng thắn nhất thế kỷ 20 về cuộc sống của phụ nữ, “Woman at Point Zero” là tác phẩm kinh điển trong văn học nữ quyền, được viết bởi Nawal El Saadawi, người được mô tả là “Simone de Beauvoir của thế giới Ả Rập”. Tác phẩm dựa trên cuộc đời có thật của một cô gái điếm, một kẻ sát nhân, một người tử tù, từ đó bóc trần góc cạnh xấu xí của nền văn hóa Ai Cập đương thời, của chế độ phụ hệ, nơi đàn ông kiểm soát tất cả và phụ nữ hầu như không có sự lựa chọn hay quyền tự chủ nào.
“Woman at Point Zero” được viết vào năm 1975, ban đầu các nhà xuất bản Ai Cập đã từ chối cuốn sách. Đến năm 1977, ấn bản đầu tiên được xuất bản bằng tiếng Ả Rập bởi Dar al-Adab ở Beirut. Tác phẩm sau đó đã được xuất bản và chuyển ngữ sang hơn hai mươi thứ tiếng, tiếp cận bạn đọc trên khắp thế giới, truyền cảm hứng cho rất nhiều người.
Cuộc gặp gỡ định mệnh giữa hai người đàn bà.
Một cuốn sách tí hin chỉ 114 trang nhưng mang cả một cuộc đời thảm khốc, được kể theo ngôi thứ nhất, đặc biệt là có hai người kể, hai nhân xưng “tôi”. Một là tác giả Saadawi kể lại quá trình gặp gỡ và đối thoại của mình với Firdaus. Hai là Firdaus kể về cuộc đời cô ấy.
Nawal El Saadawi, một người phụ nữ Ả Rập, một trí thức, một bác sĩ tâm lý, người đang tiến hành nghiên cứu về chứng loạn thần kinh ở phụ nữ Ai Cập, ý tưởng nghiên cứu nảy sinh do nhiều người phụ nữ tìm kiếm lời khuyên và sự giúp đỡ của bà để giải quyết các tình huống dẫn đến mức độ đau khổ tinh thần. Bệnh viện, phòng khám ngoại trú, và nhà tù là những địa điểm mà bà tiếp cận để phục vụ nghiên cứu. Với Saadawi vào thời điểm ấy, nhà tù chỉ xuất hiện trong các phim chính trị mà thôi, một địa điểm quấy phá lòng hiếu kỳ. Nhờ bạn đồng nghiệp mà Saadawi có giấy phép đặc biệt để đến thăm nhà tù Qanatir với tư cách là bác sĩ tâm lý. Ở đây, bà được tiếp xúc và trò chuyện với nhiều người phụ nữ trong đó có Firdaus, họ đóng góp nhiều cho công cuộc nghiên cứu, kết quả trong số đó được xuất bản năm 1976, với tựa đề “Women and Neurosis in Egypt”. Nhưng với Saadawi, Firdaus là riêng biệt, tác động mãnh liệt và đau đớn tận cùng.
Firdaus, một người phụ nữ Ả Rập, một cô gái điếm, một kẻ sát nhân, một người tử tù, người đã từ chối ký đơn ân xá và hài hòng với mức án xét xử. Firdaus đã từ chối gặp Saadawi rất nhiều lần, mãi đến một ngày trước khi bị xử tử. “Let me speak. Do not interrupt me. I have no time to listen to you.” Và rồi chỉ còn lại âm thanh vang vọng của Firdaus, cô kể câu chuyện về cuộc đời mình. Lớn lên trong nghèo khó, bị cưỡng hiếp bởi các thành viên trong gia đình, bị cắt xẻo bộ phận sinh dục, bị ép kết hôn với một lão già góa vợ hơn 60 tuổi khi cô còn chưa tròn 19, bị đánh đập hành hạ nhiều lần, bị lạm dụng thể xác nhiều lần, bỏ trốn nhiều lần, trở thành gái điếm, trở thành nhân viên văn phòng để mong được tôn trọng rồi bị lừa dối nghiền nát và vỡ vụn, quay trở lại con đường mại dâm và tích lũy được khối tài sản kếch xù nhưng cuối cùng cô nhận ra bản thân vẫn không có tự do, vẫn chịu sự uy hiếp, cô giết gã ma cô đã liên tục đánh đập và bòn tiền mình, cô bị kết án tử hình. Sự trừng phạt của xã hội được Firdaus chào đón như cách duy nhất để có được tự do.
Nawal El Saadawi rời nhà giam sau cuộc trò chuyện trong bao trùm hổ thẹn, nhìn đâu đâu cũng thấy sự giả dối và bất hạnh. Trong khoảnh khắc đó, Saadawi nhận ra Firdaus can đảm hơn bản thân bà, rất nhiều.
Khi cái chết là sự giải thoát độc nhất!
Firdaus chịu mức án nặng nhất không phải vì chính quyền sợ cô sẽ giết người một lần nữa nếu được thả ra, mà là vì họ sợ sự thật cô đang nắm giữ, thứ sự thật cô đã phải dùng cả cuộc đời đầy nghiệt ngã để đổi lấy. Bởi vì Firdaus đã dám giành quyền kiểm soát cuộc sống của mình và phủ nhận triệt để quyền lực kiểm soát của những người đàn ông xung quanh cô. Firdaus đã đặt ra một câu hỏi cơ bản về sự thật trong xã hội và nền văn hóa mà cô sống. Phụ nữ, và đặc biệt là phụ nữ như Firdaus, không được phép có tự do và quyền lực mà cô mong muốn có, bởi khi đó cô sẽ trở nên cực kỳ đe dọa đối với thứ sức mạnh (ảo tưởng), thứ đạo đức (giả dối), và thứ quyền năng đàn ông tối thượng mà chế độ phụ hệ đang cố gắng bảo vệ.
Giết một tên ma cô không phải là tội ác thực sự của Firdaus. Tội ác thực sự của cô là vạch trần thói đạo đức giả và sự bất lực của những nhà lãnh đạo mà cô rất coi thường.
“Tomorrow morning I shall no longer be here. Nor will I be in any place known to man. This journey to a place unknown to everybody on this earth fills me with pride. All my life I have been searching for something that would fill me with pride, make me feel superior to everyone else, including kings, princes, and rulers.”
Firdaus mong đợi cái chết, một cách tự hào và phấn khích. Lần đầu tiên trong đời cô thực sự được lựa chọn, được nắm quyền kiểm soát và hoàn toàn tự chủ về cuộc đời của mình. Quãng đời trải qua đã dạy cho cô một sự thật rằng những người tự do duy nhất là những người không muốn gì, không sợ gì và không hy vọng gì.
Toàn bộ cuộc đời của Firdaus đã trải qua dưới sự kiểm soát của người khác, và cuộc sống đó chưa bao giờ mang lại hạnh phúc cho Firdaus, cô háo hức mong chờ để kết thúc nó. Lựa chọn cái chết, cô thách thức sức mạnh của những người nghĩ rằng họ đang trừng phạt cô. Firdaus sẽ là người tiên phong, cô sẽ chết trước khi bọn người đã từng kiểm soát cô chết, cô sẽ không còn sợ hãi điều mà tất cả đám đàn ông cường giả, đạo đức giả đó sợ nhất. Chỉ bằng cách này, cuối cùng cô ấy mới có thể cảm thấy mình vượt trội hơn họ.
Vẫn còn độ nóng sau gần nửa thế kỳ từ ấn bản đầu tên, “Woman at Point Zero” cùng với câu chuyện về Firdaus nhắc nhở thế hệ sau, rằng nếu có một lựa chọn mà mọi phụ nữ nên đưa ra, thì đừng để bị lừa rằng chế độ phụ hệ sẽ cho phụ nữ lựa chọn.
Định kiến hay sự thật?
“Woman at Point Zero” không phải là cuốn sách đầu tiên về chủ đề phụ nữ Trung Đông của Nawal El Saadawi, nhưng chắc chắn là một trong số những tác phẩm quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp văn chương cũng như quá trình đấu tranh cho nữ quyền của bà.
Các nhà phê bình trên thế giới ca ngợi Saadawi vì đã vạch trần đời sống bạo lực cùng sự thống trị của nam giới và sự khuất phục của nữ giới trong xã hội Trung Đông. Thế nhưng tác phẩm của bà và sự nổi tiếng của nó ở phương Tây đã bị các nhà phê bình Ả Rập nghi ngờ, họ cho rằng Saadawi mang trong mình định kiến tiêu cực về đạo Hồi.
Định kiến hay sự thật? Chính bản thân Saadawi đã bị buộc phải cắt xén bộ phận sinh dục khi mới 6 tuổi. Và điều khiến bà cảm thấy đau khổ nhất là nụ cười của người mẹ vào thời điểm đó, người mẹ đã đồng lõa, đã xuôi theo một cách mù quáng, khuất phục mọi hủ tục lề thói của chế độ gia trưởng và tư bản tàn bạo.
Họ đều là nạn nhân của xã hội Ai Cập thời bấy giờ, cả mẹ Saadawi, bản thân Saadawi, hay Firdaus, và vô vàn phụ nữ Ả Rập chưa gọi tên khác. Điểm khác biệt là tư duy nhận thức, kẻ cho là phong tục truyền thống và người cho là cưỡng đoạt nhân quyền, dẫn đến hành động nhẫn nhục chịu đựng hay lên tiếng chống trả.
Câu hỏi đặt ra là, những người phụ nữ như mẹ của Saadawi – những người vui vẻ sống trong cái khung nhỏ hẹp áp bức, truyền thống hủ lậu mà không biết gì (hay biết mà không quan tâm?) đến khái niệm nhân quyền và nữ quyền, hạnh phúc của họ nằm ở sự dốt nát, thì có nên nói với họ về văn minh hay bình đẳng giới gì đó hay không? Giống như phụ nữ ở Đồi Hét trong “Hảo nữ Trung Hoa” của Hân Nhiên, những con người bị bỏ lại phía sau ngay từ buổi đầu lịch sử, sống một cuộc sống nguyên thủy giữa một thế giới hiện đại, mê mải ở thứ bậc chạm đáy trong cộng đồng, thì liệu rằng có nên lôi họ ra khỏi thứ hạnh phúc trong sự dốt nát ấy hay không?
Còn Saadawi, tuy thuở bé đã trải qua những sự kinh hoàng vì hủ tục truyền thống, nhưng may mắn nhờ có người cha làm quan chức với tư tưởng tương đối tiến bộ nên ông quyết định rằng mọi đứa con của gia đình đều sẽ được đi học. Tốt nghiệp trường y khoa vào năm 1955, Saadawi đã dành cả đời mình để học tập và nghiên cứu, để lên tiếng qua từng trang viết, để nói lên sự thật, nói lên tiếng nói cấp tiến vì nữ quyền, dẫu đã từng đối diện với ngục tù và phải sống một cuộc đời không mấy sung túc.
Hạnh phúc hay bất hạnh có lẽ phụ thuộc vào tư duy nhận thức của mỗi người. Định kiến hay sự thật cũng còn tùy thuộc vào góc nhìn quan điểm và niềm tin của từng đối tượng. Tuy nhiên, những người ngoài cuộc, những độc giả trên mọi vùng lãnh thổ của trái đất, sống ở một xã hội khác, không ngừng hấp thu kiến thức của thế giới văn minh hiện đại, có lẽ nên đóng góp một tiếng nói dẫu nhỏ nhoi, để ít nhất sẽ không có cuộc đời nào tuyệt vọng như Firdaus nữa. Để mỗi người trên trái đất này đều được hưởng những quyền cơ bản nhất, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.